Kinh tế Việt Nam đối diện nhiều cơn "gió độc", cần nhận diện cho trúng

09:07, 12/07/2023

Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Tuy nhiên, việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản… Trong khi đó, các công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.

Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Tuy nhiên, việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản… Trong khi đó, các công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng.

Hơn 30 năm, đây là thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo Phục hồi Tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 11/7, PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví von: "Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bản thân lại còn yếu, mà yếu lại phải chịu gió to, thậm chí toàn "gió độc" từ các xung đột của kinh tế quốc tế, tác động bên ngoài".

Bên cạnh đó, nội tại nền kinh tế cũng đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cả trong công tác quản lý, điều hành và năng lực ứng phó, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau 2-3 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt kiệt quệ. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Sau 2-3 năm Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt kiệt quệ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo ông Thiên, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang đặc biệt khó khăn và chúng ta cần nhận diện cho đúng. Kinh tế đối mặt với khủng hoảng cơ cấu, đối mặt khủng hoảng cơ chế kinh tế. Sau 2-3 năm Covid-19, doanh nghiệp Việt kiệt quệ, nhưng chính sách đưa ra lại không đúng, nửa vời.

"Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng có giải ngân được bao nhiêu đâu mà cứ bàn về các giải pháp. Bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng dựa vào đâu? Tôi lấy ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đang tăng vài chục %, còn doanh nghiệp thành lập mới có tăng song tốc độ giảm", ông Thiên thẳng thắn.

6 tháng đầu năm 2023, thống kê cho thấy, có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Tuy nhiên, theo ông Thiên: "Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là thật, "chết" thật. Còn tỷ lệ gia nhập thì chưa chắc là "thật" - tức là họ chưa tạo ra GDP, tăng trưởng, thậm chí có thể là nguy cơ doanh nghiệp ảo".

PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta cứ bàn tăng trưởng bao nhiêu % và nêu khó khăn, thách thức. Nhưng phải nhìn vào thực tế, cứ nhìn doanh nghiệp khó khăn là biết ngay tăng trưởng sẽ là bao nhiêu.

"Chỉ số sử dụng lao động trong 6 tháng qua giảm mạnh, đặc biệt ở các tỉnh công nghiệp như Bình Dương giảm 12,4%, Bắc Ninh giảm 8%… Vậy chúng ta lý giải thế nào về tổng cầu, về triển vọng công nghiệp của Việt Nam?", ông Thiên đặt câu hỏi.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đặc biệt khó khăn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng như: Năng lực thực sự của nền kinh tế, kết hợp doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại yếu kém, việc điều chỉnh cách thể chế chính sách.

"Thời gian qua, chúng ta mới chỉ cơ nới chính sách, không làm đột phá chính sách sẽ không giải quyết được gì. Lúc khó khăn đặc biệt như này, phải có giải pháp khác thường", PSG.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trường Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, hơn 30 năm, đây là thời điểm khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta tìm mãi không thấy lối ra khỏi khó khăn. Theo tôi, những đánh giá nói chung của cơ quan Nhà nước dù đưa ra nhưng chưa sát và giải pháp chưa đúng, trúng với doanh nghiệp, người dân. Nền kinh tế có nhiều vấn đề quá, không biết giải quyết chỗ nào”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn

Phân tích dưới góc độ chính sách tài khóa - tiền tệ, TS. Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu.

Tuy nhiên, việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, tạo ra bong bóng tài sản… Trong khi đó, các công cụ tài khoá không được sử dụng đúng mức làm chậm tăng trưởng cầu trong thời kỳ suy thoái và gây ra lạm phát trong thời kỳ tăng trưởng (chính sách tài khoá là thuận chu kỳ).

Theo chuyên gia UNDP, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn. Trước hết là khắc phục tình trạng đầu tư công phân mảnh, không hiệu quả, không gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Cùng với đó, hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hơn.

Cũng theo TS. Johnathan Picus, thâm hụt tài khoá của Việt Nam lớn hơn các con số chính thức; Tỉ lệ đầu tư công trên GDP giảm, ngày càng địa phương hoá; Phân cấp đầu tư công ở Việt Nam vào loại cao nhất trên thế giới.

“Việt Nam cần xây dựng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm; lật ngược suy giảm đầu tư công, tăng hiệu quả, tập trung, thông qua giám sát quốc gia, và kế hoạch phát triển vùng; hiện đại hoá hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quốc gia thu nhập trung bình, công nghiệp hoá; minh bạch hoá chính sách tài khoá”, của chuyên gia UNDP khuyến nghị.

Đánh giá về chính sách tài khóa của Việt Nam trong thời gian qua, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa, nhưng quá trình thực thi gặp nhiều thách thức và cần phải hành động ngay.

Đơn cử như Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục đầu tư và việc xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện.

“Giải pháp cho đầu tư công không đủ, theo WB, Chính phủ cần hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi cú sốc liên quan đến suy giảm kinh tế toàn cầu”, bà Dorsati Madani lưu ý.

Bên cạnh đó, bà Dorsati Madani cho rằng, hiệu lực những chính sách tiền tệ còn hạn chế.

“Dư địa của chính sách tiền tệ bị hạn chế và khả năng truyền dẫn yếu. Vấn đề đặt ra là nhu cầu tín dụng yếu dẫn đến đầu tư thấp, bất ổn cao.

Do đó, các biện pháp từ phía cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn”, chuyên gia của WB chỉ rõ.

Chuyên gia của WB gợi ý, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn như: Củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

Đặc biệt, Việt Nam cần củng cố niềm tin vào công cuộc cải cách này thông qua cải cách cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh: Cải thiện môi trường kinh doanh, khởi động lại chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo điều kiện tiếp thu kỹ năng theo nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng thích ứng trung hạn của hàng xuất khẩu.

"Dự báo năm 2023, GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%, và phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024", bà Dorsati Madani cho biết.

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh