Cẩn trọng khi mua trái cây nhập khẩu giá rẻ

01:07, 21/07/2023

Không chỉ ở siêu thị, mà ngay cả các chợ từ thành thị đến nông thôn, "chợ mạng", trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước. Nhiều tiểu thương cho hay, giá trái cây ngoại ngày càng rẻ, thậm chí có loại rẻ hơn trái cây nội. Nguyên nhân do đâu?

(VLO) Không chỉ ở siêu thị, mà ngay cả các chợ từ thành thị đến nông thôn, “chợ mạng”, trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước. Nhiều tiểu thương cho hay, giá trái cây ngoại ngày càng rẻ, thậm chí có loại rẻ hơn trái cây nội. Nguyên nhân do đâu?

Người tiêu dùng nên chọn mua trái cây ở nơi có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Người tiêu dùng nên chọn mua trái cây ở nơi có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Không còn là hàng... xa xỉ

Nhiều người tiêu dùng cho hay, nếu như trước đây phải tốn tiền triệu mới mua được trái cây ngoại thì hiện nay chỉ cần tốn vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng là có thể mua được.

Điển hình như cherry- loại trái trước đây phải tốn gần 1 triệu đồng mới mua được 1kg thì hiện nay chỉ còn giá 250.000-450.000 đ/kg.

Không chỉ cherry hay blueberry mà nhiều loại táo, nho nhập khẩu... cũng xuất hiện nhiều tại các điểm bán trái cây với chủng loại đa dạng như: táo Fuji Nam Phi 39.000-45.000 đ/kg, cam Ai Cập 49.000 đ/kg, dưa lưới Đài Loan 50.000-55.000 đ/kg, kiwi 80.000-100.000 đ/kg, nho đen Mỹ 85.000-90.000 đ/kg, lựu Peru 169.000 đ/kg…

Một số tiểu thương bán trái cây cho hay, nhiều chủng loại trái cây ngoại nhập, đặc biệt như táo, lê, nho... giá hiện giảm trung bình 10-20% so với năm ngoái và giảm 30-35% so với những năm trước đó, có loại còn giảm đến 40-45%.

Hiện, nhu cầu sử dụng trái cây nhập khẩu của người tiêu dùng cũng đã tăng đáng kể. Như cherry, kiwi hay nho đen không còn là loại trái cây xa xỉ với người tiêu dùng.

Trước đây cần vài triệu đồng để mua giỏ trái cây ngoại về ăn, đi thăm bệnh, thì hiện nay chỉ cần hơn 1 triệu đồng là có thể mua được giỏ trái cây xịn xò. Không ít người tiêu dùng cho rằng trái cây nhập khẩu không chỉ ngon, đẹp mà còn đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm sạch của người dùng.

Các điểm bán trái cây cũng “ưu ái” trái cây ngoại hơn: trưng bày nơi bắt mắt, dễ thấy hơn, có bao bì, đóng hộp hẳn hoi.

Chị Lê Ngọc Diệp- bán trái cây chợ Vĩnh Long, cho biết: “Cửa hàng tôi có gần 2/3 mặt hàng là trái cây ngoại, chủ yếu là nho, lê, táo, đào, lựu,... Trái cây trong nước chỉ có xoài, nhãn, bưởi, thanh long.

So với trước đây, giá trái cây nhập đã giảm 30-40%, mẫu mã cũng đẹp hơn, trái bóng, kích thước trái đồng đều, để lâu không bị hư nên nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Không chỉ ngoài chợ, “chợ online” cũng sôi nổi bán trái cây ngoại trong thời gian gần đây với những lời quảng cáo có cánh: nho ngoại nhập siêu ngon, ngon, ngọt, cứng trái; nho xanh Úc ngọt lịm, ăn giòn tan; cherry Úc mới đáp máy bay, siêu giòn, trái to, dày thịt, ngon ngọt khó cưỡng, giá rẻ bất ngờ…

Vừa mua 2 ký táo New Zealand, cô Phạm Thị Hạnh (Phường 2, TP Vĩnh Long) cho hay: “Trước đây tôi thấy trái cây ngoại là loại hàng hóa cao cấp, giá cao nên rất ít khi mua.

Bây giờ, rất nhiều loại trái cây nhập khẩu giá rẻ hơn nhiều, thậm chí có loại còn rẻ hơn trái cây trong nước, trái đẹp, ngon ngọt hơn, không chỉ vậy trái cây ngoại còn dễ bảo quản, có đóng hộp lịch sự”.

Do đâu?

Về nguyên nhân giá trái cây ngoại nhập giá rẻ, theo các chuyên gia, nhiều trái cây ngoại nhập ngày càng rẻ, thậm chí nhiều loại bằng phân nửa so với các năm trước là do được miễn giảm thuế.

Với nhiều hiệp định đã được ký kết, hầu hết sản phẩm trái cây được các nước xuất qua Việt Nam hiện nay không bị đánh thuế, trong đó có những nước có nguồn cung trái cây rất lớn như New Zealand, Úc, Mỹ... kéo theo giá bán phải giảm mạnh.

Thủ tục nhập khẩu đơn giản nên ngày càng nhiều doanh nghiệp tự đứng ra nhập khẩu về bán và phân phối.

Trong khi đó, giá bán của hầu hết trái cây nhập khẩu ở trong nước đang rất cạnh tranh là do nhiều loại trái cây đang vào mùa, và lượng hàng được các đầu mối nhập về ngày càng tăng mạnh. Xu hướng này sẽ còn gia tăng, dẫn đến giá bán hàng nhập sẽ còn giảm, cạnh tranh với sản phẩm trong nước.

Có thể thấy, trái cây nhập khẩu giá rẻ vừa tạo tính cạnh tranh cho trái cây trong nước cũng vừa gây áp lực lên thị trường trái cây nội địa. Việc tiêu dùng trái cây nhập khẩu trở nên phổ biến cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Do vậy, dù giá trái cây ngoại giá rẻ, vẫn có không ít người tiêu dùng cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng, nguồn gốc những loại trái cây nhập khẩu.

Theo chuyên gia, hầu hết cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, trái cây nhập khẩu được bán đều có đầy đủ tem mác với chỉ số rõ ràng. Khách hàng có thể chú ý ở tem mác này để biết được thông tin về loại trái cây mà mình mua như nhà cung cấp, nơi nhập khẩu, trồng với quy trình nào, có biến đổi gen hay không, nhập khẩu từ nước nào...

Với những loại trái cây không có nhãn mác hoặc nhãn được in không rõ ràng, nên cân nhắc trước khi mua bởi chất lượng có thể không được kiểm định.

Người tiêu dùng nên cẩn trọng trong việc chọn lựa thực phẩm an toàn vì sức khỏe. Với trái cây nhập khẩu thì nên chọn loại rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh ăn các loại trái để quá lâu mà không hư hỏng, bởi dù bên ngoài vẫn tươi nhưng các chất bên trong có thể bị chuyển hóa.

Trái cây ngoại đang có xu hướng lấn át ngay trên “sân nhà”

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Tiềm năng về cây ăn trái của Vĩnh Long là rất lớn. Rất tiếc, hiện nay trái cây ngoại đang có xu hướng lấn át ngay trên “sân nhà”. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của nông dân, các nhà khoa học, các ngành chức năng trong việc vực dậy tiềm năng của các loại cây ăn trái đặc sản. Hiện nay, nhu cầu trái cây nhiệt đới ở các nước trên thế giới rất lớn đòi hỏi cần phải phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng công nghệ cao và phải có sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong khu vực. Từ đó, có những quy hoạch cụ thể về các công trình hạ tầng, tầm nhìn chiến lược, phục vụ cho toàn vùng thay vì làm manh mún từng địa phương như thời gian qua. Do đó, tỉnh cần liên hệ với các địa phương trong khu vực có cùng thị trường về cây ăn trái để có sự hợp tác và chia sẻ lẫn nhau đảm bảo cùng có lợi và tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh