Từng bước hình thành nền kinh tế số

Cập nhật, 14:51, Thứ Năm, 01/06/2023 (GMT+7)
Viettel Vĩnh Long ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với UBND huyện Tam Bình.
Viettel Vĩnh Long ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với UBND huyện Tam Bình.

(VLO) Cùng với cả nước, Vĩnh Long đã và đang bước vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Trên nền tảng nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các hệ thống thông tin,... góp phần thúc đẩy và hình thành nền kinh tế số.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo UBND tỉnh, năm 2022, kết quả thực hiện kinh tế số đã đạt được kết quả quan trọng. Theo đó, đã tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX thực hiện đăng ký quảng bá thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho việc giao dịch mua bán được thuận lợi.

Một số đơn vị ứng dụng và đạt kết quả cao như HTX gạo hữu cơ xã Trung Ngãi, bưởi da xanh xã Thanh Bình, cam sành xã Hiếu Nghĩa...

Trong lĩnh vực nông nghiệp, CĐS đã đầu tư phát triển hệ thống tưới, phun tự động trên cây trồng thông qua ứng dụng số trên thiết bị thông minh, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất.

CĐS trong ngành công thương đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên các gian hàng thương mại điện tử như: Postmart, Voso, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh.

Đặc biệt đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm trên sàn Voso và Postmart với 524 sản phẩm của 13.728 hộ sản xuất. Triển khai thí điểm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Long…

Hiện có khoảng 250 DN, cơ sở sản xuất, HTX, hộ kinh doanh cung cấp 1.300 sản phẩm, 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được cung cấp trên sàn. Ngoài ra, khoảng 48 DN có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tham gia, cung cấp hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử trong nước.

Trong khi đó, ngành y tế cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện tỉnh. Triển khai ứng dụng hồ sơ sức khỏe và phần mềm bệnh án điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn và các trạm y tế xã, thị trấn thuộc Trà Ôn.

Triển khai hệ thống giao ban trực tuyến từ Sở Y tế đến các trung tâm y tế, các bệnh viện trên địa bàn. Ngành giáo dục cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Năm học 2022-2023, ngành yêu cầu bình quân mỗi đơn vị phải thu được 50% học phí trên tổng số học sinh của đơn vị mà không dùng tiền mặt.

Từng bước hình thành nền kinh tế số

Các DN ngày càng quan tâm nhiều đến công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.
Các DN ngày càng quan tâm nhiều đến công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng trong hoạt động kinh tế số vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số DN, HTX, cơ sở kinh doanh thật sự chưa quan tâm nhiều đến CĐS, ứng dụng thương mại điện tử nên công tác tuyên truyền, tập huấn chưa đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các đơn vị, DN, đặc biệt là ở các DN nhỏ, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế, mang tính tự phát, đơn lẻ, thiếu sự kết nối, tương tác cũng là nguyên nhân khiến các hoạt động CĐS trong kinh tế còn tương đối chậm.

Theo kế hoạch CĐS năm 2023 của UBND tỉnh, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh triển khai, phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử cho hộ gia đình, ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số.

Đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, hiện nay, các DN đã và đang nhận thức được tầm quan trọng của CĐS.

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn về khả năng kinh phí chuyển đổi, quyết tâm thực hiện. Nếu muốn cạnh tranh tốt trên thị trường, ngoài sản phẩm tốt thì DN cũng cần thay đổi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.

Theo Sở Công Thương, hiện đã triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Long với hơn 240 tiểu thương ứng dụng (chiếm khoảng 34,3%). Qua đó góp phần đẩy mạnh CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán.

“Thời gian tới, công tác CĐS ở các chợ là hết sức quan trọng. Đặc biệt là việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương và người tiêu dùng. Ngành công thương sẽ tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng văn minh thương mại, thương mại điện tử.

Đồng thời tăng cường công tác CĐS ở các chợ nhằm góp phần tạo thuận lợi trong kinh doanh mua bán”- ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công Thương, nói.

Theo UBND tỉnh, đến năm 2022, toàn tỉnh có 3.846 DN, trong đó, số DN cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin là 27; DN nền tảng số là 30; 185 DN nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình “SMEdx”; 4 DN sử dụng hợp đồng điện tử và 3.839 DN nộp thuế điện tử...

Ngoài ra, tỉnh cũng tiến hành khảo sát nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh về tình hình ứng dụng thương mại điện tử, xây dựng phương án hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế tại địa phương; hỗ trợ phát triển website, ứng dụng chữ ký số, áp dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh, sản xuất, kết nối giao thương, thực hiện các giao dịch trên môi trường internet.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Các tin khác: