Quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

06:05, 25/05/2023

UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, nhằm đánh giá lại những hạn chế của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương. Quyết tâm cải thiện PCI trong thời gian tới.
 

 

Về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, nhằm đánh giá lại những hạn chế của từng sở, ngành, đơn vị, địa phương. Quyết tâm cải thiện PCI trong thời gian tới.
 
Nhiều chỉ số giảm sâu
 
Theo Báo cáo PCI năm 2022, tỉnh Vĩnh Long xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 64,40 điểm. Ở khu vực ĐBSCL, tỉnh đứng hạng 8/13 sau Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh và Sóc Trăng. 
 
So với năm 2021, điểm số PCI năm 2022 của Vĩnh Long chỉ giảm 1,03 điểm (65,43 điểm), nhưng về thứ hạng giảm tới 17 bậc. Đây là năm mà thứ hạng PCI của tỉnh giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua. Kết quả này được xem là khá bất ngờ khi Vĩnh Long là một trong những địa phương có bề dày thành tích PCI của cả nước. Qua 18 năm công bố PCI, Vĩnh Long có đến 12 năm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó có tới 3 năm xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố.
 
Năm 2022, một số chỉ số thành phần giảm sâu như: tiếp cận đất đai, giá nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đều có những con số cụ thể chỉ ra những hạn chế. Trong đó, nhiều DN đánh giá thủ tục hành chính còn rườm rà, lo ngại cán bộ nhũng nhiễu, thông tin dữ liệu về đất đai không được công bố, thời gian đăng ký DN kéo dài, tính minh bạch trong đấu thầu giảm đáng kể,…
 
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu cần mổ xẻ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí giảm điểm. Đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ ra cho được điểm nghẽn trong quá trình phân công nhiệm vụ, công tác phối hợp thực hiện.
 
Với góc độ ngành, Phó Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Xuân Nhựt cho biết, theo báo cáo PCI, về chỉ số tiếp cận đất đai giảm điểm mạnh, lãnh đạo ngành xin tiếp thu và sẽ kiểm tra rà soát để có biện pháp chỉ đạo cụ thể.
 
“Chỉ số tiếp cận đất đai là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng điều hành trong việc tạo thuận lợi cho người dân, DN phát triển. Năm 2023, Sở TN-MT cũng đề ra nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế liên quan đến chỉ số này”- ông Nhựt cho biết.
Mặc dù thứ hạng bị giảm sâu so với năm 2021, nhưng PCI năm 2022 của Vĩnh Long cũng có những điểm sáng nhất định, với 3 chỉ số thành phần tăng điểm hơn năm trước. Cụ thể, chỉ số tính năng động chính quyền đạt 6,53 điểm, tăng 0,13 điểm (năm 2021 là 6,40 điểm); đào tạo lao động đạt 5,54 điểm, tăng 0,94 điểm (năm 2021 là 4,60 điểm); thiết chế pháp lý đạt 7,49 điểm, tăng 0,26 điểm (năm 2021 là 7,23 điểm).
Bên cạnh đó, so với năm 2021, có 2 chỉ số thành phần trong PCI năm 2022 tăng hạng, đó là: tính năng động chính quyền tăng 11 bậc, hạng 44/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 hạng 55/63 tỉnh, thành phố); đào tạo lao động tăng 30 bậc, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố (năm 2021 hạng 60/63 tỉnh, thành phố).

Tập trung cải thiện PCI

Theo đánh giá, về cơ bản, cộng đồng DN, nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Cụ thể là trong năm 2022, số DN thành lập mới tiếp tục tăng với 430 DN, tăng 49% so năm 2021.
 
Để cải thiện điểm số và thứ hạng PCI của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Khắc Nhu đã phân tích từng chỉ số thành phần, những chỉ số giảm điểm, giảm hạng liên quan đến từng sở, ngành, địa phương. Qua đó đề nghị thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung, nghiêm túc thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, cụ thể được đưa ra.
 
Ông Đào Anh Xuân Nhựt cho biết, năm 2023, để cải thiện chỉ số còn hạn chế liên quan đến ngành, sở sẽ ưu tiên hoàn thành công tác lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2021-2025 và lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đất đai.
 
Trong đó có các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tạo điều kiện cho DN kết hợp với người dân sử dụng hiệu quả quỹ đất nông nghiệp của tỉnh.
 
Đồng thời thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch thông tin đất đai như quy hoạch, thu hồi… Rà soát, kiến nghị loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính,...
 
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, năm 2023 là năm tỉnh tập trung phấn đấu, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025. Định hướng của tỉnh là tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và phát triển các thành phần kinh tế.
 
Các sở, ngành, địa phương phải xác định việc cải thiện PCI là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện. Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế của tỉnh.
Thời gian tới, Vĩnh Long cần nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh minh họa
Thời gian tới, Vĩnh Long cần nhiều nỗ lực với nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh minh họa
“Người đứng đầu của các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các chỉ số nêu trên và có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, báo cáo kết quả triển khai về Sở KH-ĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước 15/6/2023”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chỉ đạo thời gian tới cần tăng cường chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến DN theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và DN. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu DN, người dân.
Đặc biệt, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc cho người dân, DN từ lúc thành lập, đầu tư đến hoạt động sản xuất kinh doanh để có hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, tạo sự thuận lợi, hiệu quả hơn trong hoạt động của DN. 
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh