Vĩnh Long tăng cường hợp tác, phát huy lợi thế

Cập nhật, 11:29, Chủ Nhật, 14/05/2023 (GMT+7)

 

Nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản tham quan thực tế tại Công ty TNHH Đông Phát Food (Bình Tân).
Nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản tham quan thực tế tại Công ty TNHH Đông Phát Food (Bình Tân).

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời vừa có buổi làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Niigata (Nhật Bản), nhấn mạnh Vĩnh Long mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với đối tác, nhằm tiến tới phát huy lợi thế của hai tỉnh.

Tại buổi làm việc, bên cạnh giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, hai tỉnh trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực quan tâm, các nội dung đề xuất kết nối hợp tác.

Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tình hình phát triển kinh tế của tỉnh, thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ, tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, và phát triển du lịch. Hiện tỉnh đã hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như giày da, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, bia, thức ăn chăn nuôi…

Toàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp, 1 tuyến công nghiệp, 7 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động và đã được phê duyệt quy hoạch, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.

Vĩnh Long hiện có 72 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng mức vốn đầu tư trên 1 tỷ USD đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Nhật Bản xếp thứ nhất với 11 dự án, tổng vốn đầu tư 213,848 triệu USD.

Với dân số hơn 1 triệu người, trong đó trên 60% trong độ tuổi lao động, cùng hệ thống các trường ĐH, Vĩnh Long là nơi đào tạo và cung cấp lực lượng lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi có nhu cầu tuyển dụng lao động tại tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh có số công dân đi lao động tại thị trường Nhật Bản trên 1.000 người/năm, chiếm khoảng 84% trên tổng số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong khi đó, Niigata được biết đến là tỉnh có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, là một trong những vựa lúa lớn, nơi sản xuất ra loại gạo nổi tiếng của Nhật Bản. Nền nông nghiệp trồng trọt tại Niigata được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến với kỹ thuật cao. Niigata cũng là một trong những tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thủy sản.

Ông Kanai Kenichi- Giám đốc Sở Công nghiệp và Lao động tỉnh Niigata, cho biết Niigata là tỉnh có giá trị sản xuất, diện tích trồng, sản lượng lúa gạo đứng thứ nhất và dẫn đầu Nhật Bản về sản lượng trồng hoa tulip (cắt cành), số trang trại nuôi cá nishikigoi cảnh; chế phẩm chả thủy sản, bánh kẹo từ gạo, bánh mochi cắt/đóng gói…

Vĩnh Long và tỉnh Niigata có những nét tương đồng trong định hướng phát triển, đồng thời mỗi địa phương có những thế mạnh, cũng như mặt có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau thông qua hợp tác. Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời mong muốn thời gian tới hai tỉnh quan tâm hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực; về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh, nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư thương mại. Với địa thế nằm ở trung tâm ĐBSCL, Vĩnh Long kết nối thuận tiện về giao thông và liên kết giữa các doanh nghiệp, mong muốn sắp tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, để tăng cường hơn nữa tình hữu nghị giữa Việt Nam- Nhật Bản, tỉnh đề xuất hợp tác về các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch và các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tương đồng.

Ông Ida Koji- Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh, cho biết những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản xem Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư. Theo một khảo sát thường niên của Jetro, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Mỹ trên bảng xếp hạng về địa điểm đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN