Đề án "Hỗ trợ phụ nữ (PN) khởi nghiệp (KN) giai đoạn 2017-2025" là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các cấp hội LHPN huyện Long Hồ đã và đang tích cực triển khai thực hiện. Đề án đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới.
|
Các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế của phụ nữ Long Hồ giúp chị em cải thiện cuộc sống. |
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ (PN) khởi nghiệp (KN) giai đoạn 2017-2025” là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các cấp hội LHPN huyện Long Hồ đã và đang tích cực triển khai thực hiện. Đề án đã tạo ra bước đột phá trong tư duy và thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ PN phát triển kinh doanh trong giai đoạn mới.
Hỗ trợ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ
Để thực hiện các hoạt động hỗ trợ PN sáng tạo KN, các cấp hội LHPN huyện Long Hồ đã tích cực phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền về đề án, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KN, phát triển kinh doanh, vai trò của PN trong phát triển kinh tế…
Với nhiều hình thức tuyên truyền vận động đa dạng, phong phú, đã tác động tới nhiều nhóm đối tượng PN, góp phần nâng cao nhận thức của chị em về phong trào KN; đặc biệt đã khích lệ tinh thần, hiện thực hóa các ý tưởng KN, phát triển kinh doanh của các tầng lớp PN.
Bên cạnh, các cấp hội đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ để giúp PN KN, khởi sự kinh doanh như nắm bắt nhu cầu và khả năng KN, khởi sự kinh doanh của hội viên, PN; hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận với nguồn tín dụng thông qua hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT. Ngoài ra, hội còn phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng máy móc, trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật công nghệ.
“Hàng năm, Hội LHPN huyện lựa chọn các ý tưởng KN, khởi sự kinh doanh có hiệu quả để tham gia cuộc thi KN do Hội LHPN tỉnh tổ chức nhằm lan tỏa về ý tưởng và nhân rộng cách làm hay trong cuộc sống hàng ngày cho t
ất cả hội viên PN của huyện”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Hồ- Trần Thị Mỹ Tiên nói.
Trong năm qua, Hội LHPN huyện Long Hồ đã hỗ trợ KN 42 chị với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi dê, nuôi vịt đẻ chuyên trứng, mô hình cây ăn trái, trồng nấm bào ngư, mô hình phát triển kinh tế gia đình với hình thức mua bán nhỏ lẻ…
Ngoài ra, hội còn tham gia thành lập được 1 HTX sản xuất lúa giống tại xã Long An và thành lập mới 12 tổ hợp tác kinh tế chăm sóc cây ăn trái tại xã Đồng Phú, Tổ hợp tác Sản xuất lúa giống xã Phú Đức, Tổ hợp tác Trồng dưa hấu xã Thạnh Quới, Dịch vụ nấu ăn xã Hòa Ninh…
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Hồ- Trần Thị Mỹ Tiên, thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ PN hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo KN.
Đồng thời, huy động sự ủng hộ, đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Kết nối hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của PN; khuyến khích chị em ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh; vận động PN tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn. Từ đó khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, lan tỏa mạnh mẽ phong trào KN cho hội viên, PN.
Đi từng bước để thành công
Bánh tét Trà Cuôn Cô 3 Giang (ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) là một thương hiệu khởi nghiệp thành công của PN. Xuất phát từ nghề truyền thống của gia đình bên chồng ở Trà Vinh, chị Võ Thị Thanh Giang đã đưa bánh tét Trà Cuôn về Vĩnh Long quê hương mình. Khi bước đầu KN chị Giang không ngại khó ngại khổ tự mang đi bán dạo ở khắp nơi, rồi chị xin vào làm không lương cho điểm dừng chân xe khách để giới thiệu sản phẩm đến khách phương xa ở các tỉnh.
“Thời đó khó khăn dữ lắm, mỗi ngày làm có 5-7kg nếp, không có lời nhiều. Nhưng tôi ráng theo nghề vừa mưu sinh cũng vừa duy trì cái nghề truyền thống của gia đình”- chị Thanh Giang chia sẻ.
|
Chị Võ Thị Thanh Giang khởi nghiệp thành công từ nghề truyền thống đến cải tiến mẫu mã, chất lượng, đáp ứng thị trường. |
Sau nhiều năm vất vả, nhờ kiên trì theo nghề, hướng đến chất lượng và tiêu chí sạch để sản xuất và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng mà bánh tét Cô 3 Giang đã ngày càng cải tiến hơn và có lượng tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Ngoài những vị truyền thống như bánh tét chay đậu ngọt, nhân chuối, nhân đậu mỡ, những năm gần đây bánh được sáng tạo hơn với ngũ sắc kết hợp 4 trứng và 6 trứng. Những màu sắc đẹp mắt này hoàn toàn tự nhiên, màu cam từ trái gấc, sắc tím của lá cẩm, màu xanh của lá bồ ngót, màu đỏ từ trứng muối và màu vàng của đậu xanh.
Lò sản xuất của chị Giang còn là nơi để chị em PN kiếm thêm thu nhập. Hiện, nơi đây thuê gần 10 lao động làm việc. Chị Trương Kim Trinh (ấp Tân Nhơn, xã Tân Hạnh), làm tại đây đã nhiều năm, nhà chị có làm vườn nhưng chủ yếu chị làm việc mỗi ngày cho chị Giang. Với công đoạn gói bánh, chị Trinh thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày. Cuộc sống của gia đình chị đã cải thiện đáng kể.
Sau nhiều năm kiên trì KN với nghề mình đã chọn, chị Võ Thị Thanh Giang đã khuếch trương mô hình sản xuất của mình. Từ thuê mướn mặt bằng để sản xuất, giờ chị đã mua được gần 2.000m2 đất tại xã Tân Hạnh để xây dựng nhà ở và xưởng sản xuất. Mỗi ngày làm trên 250kg nếp, riêng dịp lễ Tết cung cấp từ 1.500-2.000 đòn bánh
.
Không còn gói gọn trong khuôn khổ chợ, quán ăn hay trạm dừng chân, sản phẩm của chị đẩy mạnh quảng bá thương hiệu qua các hội chợ thương mại, hội bánh dân gian và còn có ước mơ xuất sang các nước lân cận. Sắp tới đây thương hiệu bánh tét Trà Cuôn Cô 3 Giang sẽ được đổi thành bánh tét ngũ sắc Cô 3 Giang.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hạnh- Nguyễn Thị Kim Ngọc, hiện nay ở xã còn có mô hình chăn nuôi gia cầm đang được phổ biến và mang lại hiệu quả. Chính vì thế mô hình chăn nuôi theo hướng sinh học được hội viên PN ở xã chọn để phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Lam (ấp Tân Hưng, xã Tân Hạnh) từ việc nuôi vịt xiêm, gà nòi thịt đủ bán cho hàng xóm đã mạnh dạn đầu tư 1.000m2 chuồng trại để phát triển mô hình. Chị mua thêm 300 con vịt xiêm giống, 200 gà nòi, chị sử dụng thức ăn thiên nhiên, tự mua thuốc về tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình.
Sản phẩm của chị đạt chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài ra tận dụng mặt nước ao chị thả thêm cá tai tượng, ốc bươu; đối với phân chị ủ thêm với men vi sinh làm phân bón cho vườn rau sạch của gia đình. Với mô hình nông nghiệp khép kín này đã góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình chị Lam.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc- Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hạnh, cho biết bánh tét Cô 3 Giang là sản phẩm tiêu biểu của xã; đang thực hiện thủ tục để sản phẩm đạt OCOP. Mô hình của chị Lam cũng đạt hiệu quả cao. Chị em PN có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ được Hội LHPN xã tích cực hỗ trợ. Mô hình KN tiêu biểu của chị Giang và chị Lam là động lực cho chị em PN mạnh dạn bắt tay vào làm để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin