Truy xuất nguồn gốc: không chỉ là cái tem...

Cập nhật, 07:20, Chủ Nhật, 05/03/2023 (GMT+7)

 

Truy xuất nguồn gốc góp phần khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản.
Truy xuất nguồn gốc góp phần khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản.

Theo ngành chức năng, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) không chỉ góp phần định danh nông sản Việt, xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nông dân, HTX và doanh nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong TXNG nông sản là việc làm cấp bách giúp nông sản Việt nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

TXNG: nhiều lợi ích

Theo ngành chức năng, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương, cơ quan nhà nước mà còn là việc của cả cộng đồng. Quan trọng hơn hết, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà trước hết chính vì sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam.

Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT- Nguyễn Văn Liêm, hiện nay, vấn đề TXNG đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường. TXNG là việc cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa qua từng công đoạn của quá trình sản xuất từ nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng một cách công khai minh bạch về sản phẩm, hàng hóa. TXNG không chỉ khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp- PTNT cũng đã nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị, hướng tới xóa bỏ một nền nông nghiệp “mù mờ” từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý, “mù mờ” từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc... Những nỗ lực đó nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch- trách nhiệm- bền vững”.

Theo đó, việc áp dụng khoa học công nghệ có tầm quan trọng trong việc thực hiện TXNG xuất xứ. Cụ thể, công nghệ giúp hoạt động TXNG xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản- Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh: TXNG là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Hệ thống TXNG không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp.

Từng bước chuẩn hóa

Có thể thấy, TXNG là một mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với truy xuất nguồn gốc. Và chuyển đổi số trong TXNG hàng hóa, nông sản cũng đang là vấn đề được xã hội rất quan tâm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học… đưa ra những giải pháp mới về TXNG sản phẩm, song, mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội.

Ông Mai Quang Vinh- Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp- PTNT) phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của các HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

Để hệ thống TXNG tại Bộ Nông nghiệp- PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Hoài Nam- Đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng: Rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng TXNG Quốc gia. TXNG nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

Về vấn đề số hóa TXNG, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay: Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong TXNG nông sản thực sự đi vào thực tiễn, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống TXNG, ông Toản cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu; phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình.

Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, TXNG phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ này.

Hệ thống TXNG của Bộ Nông nghiệp- PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/

Hệ thống đã xây dựng được 3 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin TXNG; hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về TXNG dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã TXNG của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

Bài, ảnh: TRÀ MY

 

Các tin khác: