ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023, hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo đang khá sôi động.
Mở đồng bắt đầu thu hoạch, nông dân mong “trúng mùa được giá”. |
(VLO) ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2022 - 2023, hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo đang khá sôi động.
Phấn khởi giá lúa Đông Xuân mở đồng
Vụ lúa Đông Xuân này, nông dân tỉnh Vĩnh Long xuống giống gần 40.000ha, giảm hơn 6.400ha so cùng vụ năm trước. Thời gian này, một số cánh đồng bắt đầu thu hoạch lúa. Thời tiết khá thuận lợi, giá lúa cao hơn so vụ Đông Xuân năm trước nên nông dân khá phấn khởi.
Tại huyện Tam Bình, hiện trên ĐT904, một số ruộng lúa đang được thu hoạch. Đổ lúa ra phơi, bác Tư Thanh (ở Ấp 1, xã Hòa Thạnh) tươi cười: “Năm nay lúa trúng lại được giá cao.
Vừa gặt xong 17 công, tính trung bình đạt khoảng 30 giạ/công”. Với giá bán 7.000 đ/kg (OM5451), trừ hết các chi phí bác Tư Thanh còn lời từ 1,5 - 1,7 triệu/công.
Bác Tư cho biết thêm, rơm cũng được lái đến mua rất sôi động, giá hiện là 200.000 đ/công, tăng hơn năm ngoái 50.000 đ/công. Tuy nhiên, bác Tư cho biết một số ruộng lúa bị thất, do gặp thời tiết bất lợi, lúa bị đạo ôn mà trị không kịp, nên chỉ đạt khoảng 15 giạ/công.
Chuẩn bị gặt 5 công lúa, anh Nguyễn Văn Hải (ở Ấp 2, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình) vui vẻ cho biết, thương lái đã đặt cọc hơn tuần trước, giá 7.200 đ/kg. Anh Hải cho biết thêm “Làm lúa hơn 20 năm nay, chưa bao giờ tui bán được giá cao như vầy.
Với dàn lúa sáng, đẹp này, năm nay chắc cỡ 30 giạ/công trở lên”. Anh Hải chia sẻ, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc đầu tư phân thuốc cũng tăng lên nên “tui lấy công làm lời, nếu đạt năng suất cao thì tui còn lời khoảng 2 triệu đồng/công, còn nhiều người mướn thì không quá 1,7 triệu đồng/công”.
Có 10 công lúa, chị Lâm Thị Hiền (ở xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ) cho biết: “Năm nay lúa trúng. Vừa rồi đã nhận đặt cọc với giá 135.000 đ/giạ (6.750 đ/kg), cao hơn so vụ Đông Xuân năm rồi, lúa chuẩn bị thu hoạch”.
Chị Út Em - thương lái ở huyện Tam Bình, cho biết: “Hổm rày mua ở Hậu Giang, Sóc Trăng và Vĩnh Long. Hiện giá lúa gà (lúa ML202) 6.600 - 6.700 đ/kg, ST25 giá 7.500 đ/kg, lúa IR50404 là 6.500 đ/kg…
Theo chị Út Em “giờ chưa vô chính vụ, khoảng nửa tháng tới sẽ thu hoạch đông ken”.
Chị Ngọc Điệp - thương lái ở huyện Trà Ôn chuyên “đi gạo trắng”, cho biết: “Lúa đã bắt đầu chín lai rai nên tăng cường thu mua”.
Theo chị Điệp, lúa gà hiện cao hơn 1.000 đ/kg so năm ngoái; OM5451, lúa thơm thì không chênh lệch bao nhiêu so năm ngoái với giá khoảng 6.200 đ/kg.
Tín hiệu thị trường đang rất tích cực
Thu mua lúa tươi tại ruộng. |
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp - PTNT), tính đến cuối tháng 1/2023, vụ Đông Xuân 2022 - 2023 vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,47 triệu hecta trên tổng số 1,51 triệu hecta kế hoạch. Trong đó, diện tích đã thu hoạch được khoảng 202.000ha.
Theo lý giải của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, do sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tập trung trả đơn hàng đã ký kết với đối tác từ năm cũ chuyển sang, nhất là hợp đồng với Philippines và Indonesia, cho nên, đã đẩy mạnh mua vào.
Trong khi đó, vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 vẫn chưa vào thu hoạch rộ, lượng hàng cung cấp ra thị trường còn hạn chế tác động khiến giá lúa gạo thị trường tăng.
Nếu so với hồi cuối tháng trước, giá gạo Việt Nam xuất khẩu hiện đã tăng khoảng 15 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng cho thấy những tín hiệu thị trường đang rất tích cực.
Với mục tiêu hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL, nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo,…
Bộ Nông nghiệp - PTNT đang tập trung thực hiện Đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Cụ thể, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu hecta gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 760.000 tấn (chiếm 20% sản lượng gạo trong vùng đề án).
Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu hecta, tương ứng khoảng 2 triệu hecta gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo Việt Nam đạt 2,3 triệu tấn (chiếm 30% sản lượng gạo trong vùng đề án)…
Bình quân 1ha lúa chất lượng cao được đầu tư 40 triệu đồng. Tổng đầu tư từ năm 2023 - 2030 là 40.048 tỷ đồng. Theo đó, cụ thể hóa đề án lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sẽ là cơ sở, kỳ vọng để ngành lúa gạo tiếp tục thay đổi vị thế và giá trị trong năm 2023.
Bài, ảnh: THẾ QUÂN - NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin