Một điệp khúc buồn... quen thuộc

06:02, 13/02/2023

Biết bao người hy vọng loại nông sản này sẽ tìm được lối đi mới, thoát khỏi điệp khúc được mùa mất giá và cần được giải cứu, vậy mà...

Giá cam sành tại vườn rớt mạnh, cam bán ven đường từ 6.000 - 10.000 đ/kg.Ảnh: NÓN LÁ
Giá cam sành tại vườn rớt mạnh, cam bán ven đường từ 6.000 - 10.000 đ/kg.Ảnh: NÓN LÁ

(VLO) Biết bao người hy vọng loại nông sản này sẽ tìm được lối đi mới, thoát khỏi điệp khúc được mùa mất giá và cần được giải cứu, vậy mà...

Hay tin cháu ngoại bị bệnh, mẹ tôi gửi hơn chục ký cam sành lên cho con cháu ăn để tăng sức đề kháng. Tôi nói với mẹ, ở TP Vĩnh Long bán đủ loại cam tây cam ta, mẹ làm vậy thì rất tốn kém.

Mẹ nói: “Cam tại vườn chín rụng lộp độp, tội nghiệp người ta nên mẹ mua ủng hộ, có 2.000 đ/kg, cam chín vỏ mỏng, nước nhiều, uống vừa khỏe vừa đẹp”.

Quả thật, gần đây bỗng xuất hiện nhiều chỗ bán cam sành ven đường với tấm bảng giá “10.000 đ/kg, 15.000 đ/2kg, 30.000 đ/5kg”, cũng có nơi kêu gọi giải cứu cam, phần bán phần cho, cố gắng giúp hết vườn này đến vườn khác.

Tôi ghé một điểm bán cam trên đường Nguyễn Văn Thiệt, anh chủ cười nói: “Cam rẻ là do dội hàng chớ sao, bên này là cam sành Tam Bình, đằng kia của Trà Ôn, bao bự, bao nước… bán hết bữa nay, ngày mai ghi thêm chữ giải cứu, ủng hộ bà con dưới vườn chứ ai cũng điêu đứng vì cam rớt giá”.

Một số hộ trồng cam sành cho hay, nếu giá cam tại vườn trước Tết ở mức 8.000 đ/kg, thì giá cam bây giờ đã giảm hơn một nửa, chưa tới 4.000 đ/kg, thậm chí có nơi thương lái đã ngừng mua.

Ông Lê Vinh An - Chủ tịch UBND xã Hiếu Thành thông tin: “Hiện xã có khoảng 700- 800ha cam sành đang cho trái. Vì xử lý vụ nghịch nên bà con chăm sóc cây rất kỹ, làm bông tốt, kết quả vườn cam cho năng suất hơn 70 tấn/ha. Tuy nhiên giá cam hiện tại đang khiến bà con thua lỗ nặng.

Chưa kể, chi phí đầu vào tăng 30 - 40% so với vụ trước, bà con càng thêm lo vì không biết tìm đầu ra ở đâu để có tiền thanh toán các khoản phân bón, thuê đất, mướn người...”.

Tôi nghe cô Nguyễn Thị Diệp ở ấp Kinh B (xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm) - người có hơn 5 công đất trồng cam, than thở: “Cam chín rụng đầy vườn, đầu năm trước giá cam tại vườn hơn 15.000 đ/kg.

Tết năm nay lái trả 8.000 đ/kg thì không ai chịu bán, găm tới giờ mà bán được 4.000 đ/kg là mừng rồi, nhiều vườn trái chín rụng bán 1.000 - 2.000 đ/kg mà không ai vô mua”.

Nhưng dù trái cam đang rớt giá thì giá của mặt hàng chế biến từ cam không giảm, đơn cử như cam ép vẫn duy trì 15.000 đ/ly.

Cam chín đợi người mua. ảnh Thảo Ly
Cam chín đợi người mua. ảnh Thảo Ly

Tôi nhớ trong khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài, nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân nên tăng cường uống nước cam để bổ sung vitamin C, tăng sức đề kháng. Lúc ấy cam bán được giá nên bà con rất phấn khởi.

Có thể thấy, mấy năm gần đây nhiều nhà vườn chuyển sang trồng cam vì nhận thấy lợi nhuận cao. Biết bao người hy vọng loại nông sản này sẽ tìm được lối đi mới, thoát khỏi điệp khúc được mùa mất giá và cần được giải cứu, vậy mà...

Và cũng không biết từ bao giờ, cụm từ “giải cứu nông sản” đã trở nên quen thuộc, mọi người luôn sẵn lòng mua thêm khoai lang, mít, thanh long, bưởi… giờ là cam sành vì nó cần được “giải cứu”.

Chị tôi gọi điện thoại đặt mua cam từ bài đăng kêu gọi giải cứu trên mạng, rồi từng túi cam chất cao trong góc bếp.

Trái cam đã chín thì không để được lâu, mẹ cùng chị tìm đủ mọi cách để chế biến, nào là lắc muối ớt, vắt lấy nước, sấy khô pha trà, chân gà ngâm nước cam sả tắc, bánh bông lan hương cam... và có vẻ như thời gian tới tôi sẽ còn được ăn, uống thêm nhiều món ngon làm từ trái cam hơn nữa.

Tôi quý trọng hành động của mẹ, của chị, của những người làm công việc giải cứu ngoài kia, đó là một hành động đẹp, phần nào san sẻ những khó khăn mà nhà vườn đang gặp phải.

Nhưng tôi cũng hiểu việc làm này chỉ là giải pháp tạm thời, không phải đầu ra ổn định về lâu dài, chẳng thể nâng cao giá trị nông sản bằng cách ấy và cũng không ai có thể giải cứu mãi theo từng mùa nông sản rớt giá, nếu có thể thì sẽ được bao lâu?

NÓN LÁ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh