Cùng với việc xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, phát huy hết thế mạnh kinh tế, dịch vụ, nét đẹp truyền thống của đô thị vùng sông nước, huyện Tam Bình đặc biệt chú trọng nâng cao mức sống người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái (áo trắng), ký kết hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), cùng với Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (ECITA). |
(VLO) Cùng với việc xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, phát huy hết thế mạnh kinh tế, dịch vụ, nét đẹp truyền thống của đô thị vùng sông nước, huyện Tam Bình đặc biệt chú trọng nâng cao mức sống người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, xem kinh tế nông nghiệp là trục xương sống với những thế mạnh cây trồng đặc sản, hướng đến xây dựng thương hiệu và ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, xanh, hiện đại và bền vững.
Xây dựng văn minh đô thị
Chủ tịch UBND TT Tam Bình Nguyễn Văn Cang, cho biết: “Hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên toàn tỉnh, TT Tam Bình xác định 2 nhiệm vụ trước tiên là công tác tuyên truyền và việc tổ chức thực hiện”.
Do đó, ngay từ đầu năm BCĐ Xây dựng thị trấn văn minh đô thị đã thực hiện ngay công tác tuyên truyền trong nội bộ và người dân những nội dung thực hiện thị trấn văn minh đô thị, trong đó có lồng ghép tuyên truyền thực hiện giải tỏa lấn chiếm vỉa hè và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Vừa tuyên truyền, vận động, vừa thực hiện kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè và nêu cao ý thức người dân về thực hiện vệ sinh môi trường góp phần thực hiện thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Song song đó, UBND thị trấn thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và văn minh đô thị.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch phân công từng thành viên phụ trách tiêu chuẩn văn minh đô thị năm 2022 và kế hoạch khắc phục hạn chế trong thực hiện văn minh đô thị năm 2021.
Đoạn đường bờ kè ven sông sẽ được trồng cây tạo dáng cho đô thị và dự kiến hình thành khu chợ đêm, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ địa phương. |
Từ đầu năm, đã kết hợp các ngành tổ xử lý lấn chiếm ra quân 120 cuộc để kiểm tra, qua đó nhắc nhở 150 hộ mua bán lấn chiếm vỉa hè, lồng đường; nhắc nhở 566 chủ phương tiện dừng đỗ xe nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ (xử phạt vi phạm hành chính 32 trường hợp).
Theo Chủ tịch UBND thị trấn - Nguyễn Văn Cang: Quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị trên địa bàn thị trấn đã được niêm yết công khai rộng rãi tại trụ sở UBND thị trấn.
Đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng; phát huy vai trò tự quản cộng đồng trong việc quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị trong thời gian qua không có công trình xây dựng vi phạm phải bị phạt hành chính.
Từ cách làm này, thời gian qua TT Tam Bình thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình công cộng trên địa bàn, phục vụ lợi ích công cộng; không lấn chiếm, sử dụng diện tích đất công và công trình công cộng vào mục đích thương mại, nhà ở.
Các công trình công cộng xây mới đúng quy hoạch, có kiến trúc hài hòa, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành, qua đó góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Tạo đột phá cho nông nghiệp công nghệ cao
Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái, cho biết: Vào tháng 5/2022, UBND huyện Tam Bình và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), cùng với Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (ECITA), đã ký biên bản ghi nhớ chương trình thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2030.
Mục tiêu hợp tác, nhằm hỗ trợ huyện Tam Bình nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ về các sản phẩm ứng dụng trong canh tác nông nghiệp bền vững cho người sản xuất; giúp huy động nguồn lực nhà nước và xã hội đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại Tam Bình.
“Đồng thời, phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh của các bên về lực lượng cán bộ chuyên môn và các cơ sở vật chất sẵn có, cũng như trong tương lai sẽ thu hút các nguồn lực từ các chương trình khoa học công nghệ, nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bảo vệ môi trường sinh thái và mục tiêu an toàn thực phẩm, bền vững tại Việt Nam: trồng- chăm sóc - thu hoạch - chế biến - bảo quản và tiêu thụ”- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình giải thích thêm.
Tiếp đó, tháng 10/2022 UBND huyện Tam Bình đã tiếp nhận bản đồ số hóa vùng nguyên liệu cam sành của địa phương. Đây là kết quả hợp tác giữa Công ty CP Đầu tư Koina Investment Group (Koina) và UBND huyện Tam Bình thông qua dự án công nghệ hỗ trợ quản lý vùng nguyên liệu.
Bản đồ số hóa vùng nguyên liệu cam sành Tam Bình. |
Bản đồ số hóa được tạo ra nhằm số hóa vùng sản xuất cam sành, minh bạch hóa về vật tư nông nghiệp, chuẩn hóa về phương thức canh tác, tập trung hóa về vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ - nâng cao giá trị nông sản.
Cụ thể, diện tích cam sành được số hóa của nông dân ở các xã: Loan Mỹ, Bình Ninh, Ngãi Tứ, Tường Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc, Hòa Hiệp, Hòa Thạnh, Hậu Lộc và Mỹ Lộc.
Với 3.550ha trồng cam sành của toàn huyện (chiếm 37,4% tổng diện tích cây ăn trái của huyện), đến nay đã có trên 2.400ha cam sành được số hóa với 2.388 vườn, tổng sản lượng 159.178 tấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Lê Ngọc Đức cũng cho biết: Tam Bình là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện bản đồ số, đây là bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, thông qua số hóa sẽ cung cấp thông tin về giá cam qua từng thời điểm, vật tư sản xuất, thời tiết, thổ nhưỡng, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây trồng qua ứng dụng Zalo.
Đồng thời, doanh nghiệp lẫn ngành chức năng có thể dễ dàng tra cứu được số hộ trồng, thời gian trồng, thu hoạch của từng xã. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, khuyến cáo đến nông dân, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Xây dựng thương hiệu cho đặc sản cam sành Tam Bình. |
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT - Nguyễn Thị Thu Hiền: Bên cạnh đó, huyện phối hợp Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu xây dựng vùng nguyên liệu cấp mã số vùng trồng sầu riêng ở các xã: Mỹ Thạnh Trung, Phú Lộc, Loan Mỹ (tối thiểu 10 ha/xã) định hướng liên kết doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Song song đó, Phòng Nông nghiệp - PTNT tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030.
Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ như: lúa, rau màu, cây có múi, cây ăn quả chủ lực của huyện.
Đến nay, Tam Bình đã xây dựng 33 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: Mô hình sản xuất lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật ở các xã: Long Phú, Mỹ Lộc, Hòa Thạnh, Hậu Lộc, Tân Phú.
Trồng rau màu trong nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới tự động: Tường Lộc, Ngãi Tứ. Trồng cam sành ứng dụng công nghệ tưới tự động, xịt thuốc bằng máy bay không người lái ở xã Bình Ninh. Trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP xã Loan Mỹ.
Sản xuất cây ăn trái sử dụng hệ thống tưới tự động, bán tự động: trồng mít (Phú Thịnh, TT Tam Bình), sầu riêng (Phú Lộc, Hòa Lộc, Hòa Hiệp, Mỹ Thạnh Trung). Bên cạnh đó, các xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng 44 mô hình sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Là địa phương đặc biệt quan tâm và sớm triển khai các chương trình hành động cụ thể, Tam Bình quyết tâm đi đầu trong việc phát huy hết tiềm năng thế mạnh của nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Qua đó, tạo đột phá đưa nông nghiệp thành kinh tế mũi nhọn góp phần thành công xây dựng nông thôn mới, đưa địa phương phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Không ngừng nâng cao mức sống vật chất và tinh thần người dân đô thị lẫn nông thôn.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin