Ra đồng đầu năm: kỳ vọng vụ mùa bội thu

Cập nhật, 10:33, Thứ Ba, 31/01/2023 (GMT+7)
Nông dân tích cực ra đồng chăm sóc hoa màu, ruộng lúa.
Nông dân tích cực ra đồng chăm sóc hoa màu, ruộng lúa.
Sau những ngày vui Xuân, đón Tết, nhiều nông dân đã tất bật ra đồng bắt tay vào lao động, sản xuất, với kỳ vọng vào một mùa vụ suôn sẻ, gặt hái được nhiều thắng lợi.
 
Tích cực chăm sóc đồng ruộng sau Tết
 
Sau mấy ngày nghỉ Tết, nông dân đã quay lại việc đồng áng với mong ước một năm mưa thuận, gió hòa và có một mùa vụ bội thu. Nhiều nông dân cho hay, những ngày ra đồng đầu năm có nhiều việc phải làm hơn, như bón phân, làm cỏ, tháo nước, tranh thủ kiểm tra ruộng xem có phát sinh về sâu bệnh để xử lý kịp thời, giúp lúa phát triển, không ảnh hưởng đến năng suất.
 
Có 4 công lúa đang giai đoạn trổ, anh Lê Trọng Tín (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: Trong vụ Đông Xuân này, lúa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa bị sâu bệnh hại, hy vọng đến cuối vụ sẽ thu hoạch được năng suất cao. Năm mới, cầu mong thời tiết thuận lợi, để nông dân bớt vất vả, tăng thêm nhu nhập.
 
Đang đi thăm đồng, chú Nguyễn Văn Lâm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Trước Tết tôi nghe thông tin mặn có thể xâm nhập sớm và sâu nên dù vui xuân nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình lúa, nhất là vấn đề hạn mặn. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại lúa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa bị sâu bệnh hại và hạn mặn cũng chưa cao, hy vọng đến cuối vụ sẽ bội thu”. 
 
Ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, toàn huyện xuống giống khoảng 8.700ha. Từ trước Tết đến nay, ngành chức năng, địa phương cùng người dân cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp để ổn định, phát triển sản xuất.
 
Trong đó, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến hạn mặn, cập nhật độ mặn hàng ngày ở cống Nàng Âm, cống Cái Tôm,… khi độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép thì thực hiện đóng cống để trữ ngọt, bảo vệ sản xuất.
 
Đến nay độ mặn đã giảm, ở mức an toàn cho cây trồng, triều cường cũng giảm nên đã thực hiện mở cống, tháo nước để chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân sắp tới. Cụ thể, diện tích thu hoạch lúa từ 14 - 25 tháng Giêng là khoảng 6.000ha. 
 
Vụ mùa năm mới, nhiều nông dân cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ đầu ra, ổn định giá vật tư nông nghiệp, con giống để góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất. Bên cạnh đó, có phương án, chính sách để tạo đầu ra chắc chắn cho các mặt hàng nông sản. Từ đó, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Chú ý phòng trừ sâu bệnh
 
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, lúa Đông Xuân 2022 - 2023 đã xuống giống dứt điểm với diện tích 39.980,2ha, đạt 88,8% kế hoạch (45.000ha); giảm 13,9% hay 6.434,9ha so với cùng kỳ năm trước. Lúa Đông Xuân đã thu hoạch gần 1.400ha, ước sản lượng trà lúa đã thu hoạch đạt gần 7.900 tấn với năng suất bình quân ước đạt 5,73 tấn/ha.
 
Ước diện tích xuống giống màu vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đến nay trên 16.100ha, đạt 70,6% kế hoạch, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích màu xuống ruộng chiếm 28,6% diện tích xuống giống. Riêng diện tích khoai lang xuống giống được trên 106ha, giảm 67,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo đó, trên cây lúa các đối tượng gây bệnh xuất hiện chủ yếu như: bệnh rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh sâu cuốn lá, chuột, bệnh vàng lá chín sớm… Trên cây màu, các đối tượng chủ yếu như: sâu ăn tạp, sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ, bọ nhảy, bệnh đốm phấn…
 
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho hay: Điều kiện thời tiết như hiện nay kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Do đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả.
 
Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lác đác khoảng 5% và sau khi lúa đã trổ đều, tiến hành phun ngừa một trong những loại thuốc đặc trị, không nên phun phân bón lá khi ruộng đang bệnh, nên giữ nước trong ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn lúa trổ - chắc xanh.
 
Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Khuyến cáo bà con tránh lạm dụng phân đạm, phân bón lá khi thấy có dấu hiệu của vết bệnh, bổ sung canxi, silic, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.
 
Để sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, thiên tai xảy ra, thông báo kịp thời cho địa phương và các ngành chức năng; theo dõi tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023, thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo thu hoạch an toàn.
 
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên các loại cây trồng; theo dõi tình hình sản xuất, tăng cường thăm đồng, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh... 
 
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG