Quy hoạch sản xuất công nghiệp, đón nhà đầu tư

Cập nhật, 22:15, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Hệ thống giao thông, logistics của tỉnh ngày càng thuận lợi để kết nối nội tỉnh,  liên vùng với các tỉnh, thành phía Nam.
Hệ thống giao thông, logistics của tỉnh ngày càng thuận lợi để kết nối nội tỉnh, liên vùng với các tỉnh, thành phía Nam.
Vĩnh Long nằm ở khu vực trung tâm ĐBSCL, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, Vĩnh Long có nhiều lợi thế về kết nối giao thương và ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông thủy lẫn bộ. 
 
Lợi thế mở lối kết nối
 
Theo ông Nguyễn Thanh Sang - Phó Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành sẽ giúp các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh kết nối giao thông thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ… “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và có quyết định đầu tư cũng chính vì yếu tố kết nối giao thông thuận lợi mà Vĩnh Long sẽ có được trong thời gian tới”- ông Sang nói.
 
Hiện Vĩnh Long có 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, bao gồm Khu công nghiệp Hòa Phú và Khu công nghiệp Bình Minh. Thống kê đến nay, 2 khu công nghiệp này đã cơ bản được lấp đầy 98%, thu hút được 63 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.037 tỷ đồng và 820,69 triệu USD.
 
Trong khi đó, Khu công nghiệp Đông Bình hiện đang tập trung phối hợp cùng với chủ đầu tư, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (Bình Tân) đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng.
 
“Hiện nay, ban quản lý các khu công nghiệp đang tập trung phối hợp cùng với chủ đầu tư, UBND các địa phương và các sở ngành có liên quan triển khai thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp”- ông Sang thông tin. 
 
Trong khi đó, Khu công nghiệp An Định cũng đang tích cực phối hợp cùng với các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để Bộ KH - ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
 
Cũng theo ông Sang, hoạt động các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp hiện nay rất hiệu quả, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 được kiểm soát.
 
Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 11.952 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 428,13 triệu USD. 10 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt trên 16.407 tỷ đồng, tăng 62,37% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, xuất khẩu đạt trên 586 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ 2021, đạt 107% so với kế hoạch năm 2022 (là 550 triệu USD).
Hệ thống giao thông, logistics của tỉnh ngày càng thuận lợi để kết nối nội tỉnh,  liên vùng với các tỉnh, thành phía Nam.
Hệ thống giao thông, logistics của tỉnh ngày càng thuận lợi để kết nối nội tỉnh, liên vùng với các tỉnh, thành phía Nam.
 
Tận dụng tiềm năng, đẩy mạnh thu hút đầu tư
 
Vĩnh Long nằm ở khu vực trung tâm ĐBSCL, nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Đặc biệt có nhiều lợi thế về kết nối giao thương.
 
Ngoài cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã đưa vào hoạt động, thì cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (đi ngang qua tỉnh Vĩnh Long) đang khẩn trương thi công, hoàn thành trong năm 2023. Ngoài ra, Bộ GT - VT cũng đang chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ nhằm tăng cường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL.
 
Ngoài ra, Vĩnh Long còn nằm trên điểm giao của hai trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng là sông Tiền và sông Hậu (trục hành lang kinh tế Đông - Tây) và QL91 (tuyến Nam sông Hậu) với cực Tây là khu vực cửa khẩu An Giang và Đồng Tháp, cực Đông là vùng đô thị - cảng ven biển (cảng vùng) và hệ thống cảng Sóc Trăng (cảng Trần Đề). Đây là trục kết nối với các nước ASEAN và quốc tế.
 
Ngoài ra còn trục hành lang kinh tế đô thị QL1 - đường Hồ Chí Minh (hướng Bắc - Nam) với TP Cần Thơ là trung tâm vùng, cực Bắc là TP Mỹ Tho giao thoa với TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Đặc biệt, 2 Khu công nghiệp Hòa Phú và Bình Minh nằm ngay trục chính của tuyến QL1A đi qua nên thuận tiện trong việc lưu thông hàng hóa bằng đường bộ và khu công nghiệp Bình Minh cặp sông Hậu sẽ thuận tiện cho lưu thông hàng hóa bằng đường thủy.

 

Vĩnh Long tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Vĩnh Long tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư trong thời gian tới.

BVL_8.11.Duy.BXKinhte3.jpg

 Theo ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tiềm năng và khả năng thu hút đầu tư giao thông, nhất là hệ thống logistics của tỉnh trong thời gian tới là tương đối lớn. Qua đó, tỉnh cần tập trung quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh.

 
Đồng thời phát triển luồng hàng hóa liên tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, tương lai là các tuyến đường sắt nhằm kết nối các tỉnh thành trong khu vực và cả nước. Đặc biệt là phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải sông Tiền, sông Hậu cho các tàu có tải trọng lớn, thuận lợi vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển xuất khẩu nông, thủy sản…
 
Bên cạnh đó, để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị yêu cầu tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2025, tỉnh sẽ phát huy hiệu quả sử dụng đất đối với Khu công nghiệp Hòa Phú, Bình Minh, tập trung thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích. Tập trung 3 khu công nghiệp theo quy hoạch gồm: Khu công nghiệp Đông Bình, Bình Tân (Gilimex) và An Định.
 
UBND tỉnh cũng có kế hoạch thực hiện Chương trình của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu kế hoạch đề ra là phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra (tăng bình quân 12 %/năm). Tổng vốn đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm và khu công nghiệp, cụm công nghiệp dự kiến triển khai giai đoạn 2021 - 2025 là trên 15.336 tỷ đồng. 
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 
Các tin khác: