Những "chân vườn" cam sành ở vùng đất Trà Ôn

Cập nhật, 19:02, Thứ Ba, 24/01/2023 (GMT+7)

(VLO) Đi dọc QL54, vào Đường tỉnh 907 qua huyện Trà Ôn, chúng tôi len lỏi vào phía “chân vườn”. Bây giờ thì những “chân vườn” như vậy ngày càng nhiều hơn, khi bà con vùng này phát triển rộ cây cam sành.

Hiện tại, với diện tích gần 8.800ha, cây cam sành chiếm hơn một nửa diện tích vườn cây ăn trái của huyện. Mặc dù giá cả có lúc thăng trầm theo mùa vụ, thị trường, nhưng giá trị kinh tế từ cây cam sành nhiều năm qua đã là “cơ nghiệp” của bà con.

Bạt ngàn vườn cam sành trên vùng đất xã Tân Mỹ, đoạn trên Đường tỉnh 907.
Bạt ngàn vườn cam sành trên vùng đất xã Tân Mỹ, đoạn trên Đường tỉnh 907.

Những vùng trồng cam sành trên đất lúa

Xã Tân Mỹ có diện tích vườn cây lâu năm 1.386ha, trong đó toàn xã có 954ha (tăng 517ha so năm 2021) trồng cam sành (439ha đang cho trái).

Nói về sự phát triển rộ của cây ăn trái này, ông Phạm Văn Sơn - công chức Nông nghiệp - Thủy lợi - Môi trường thuộc UBND xã Tân Mỹ cho biết, trong 954ha cam sành ở xã, có hơn 310ha được 95 hộ dân từ các xã khác sang thuê đất ruộng lên liếp trồng cam; còn lại 375 hộ trong xã canh tác trên đất nhà.

Bà con vùng này và các nơi khác đến đây bây giờ đầu tư, trang bị về vốn liếng, kỹ thuật để lên vườn trồng cam sành trên đất lúa. Ông Phạm Văn Sơn kể có hộ gia đình hùn thuê 5 - 6ha đất ruộng lên liếp trồng cam sành; có hộ canh tác theo quy mô lên tới 50 - 60ha, thậm chí 100ha.

Tùy theo vụ và nhu cầu thị trường, giá cả cam sành có lúc lên cao, xuống thấp, nhưng ước lợi nhuận 260 - 280 triệu đồng/ha. Từ cây trồng này cũng đã góp phần giải quyết việc làm thời vụ cho người dân sở tại.

Theo UBND xã Trà Côn, do hiệu quả kinh tế khá cao, người dân đã chuyển từ diện tích đất trồng cây hàng năm hoặc cây lây năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây cam sành. 9 tháng của năm 2022, diện tích này là hơn 170ha (trong đó 160ha từ đất lúa).

Thương lái thu mua cam sành ở xã Trà Côn.
Thương lái thu mua cam sành ở xã Trà Côn.

Ông Phan Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Trà Côn cho biết, tổng diện tích vườn cây ăn trái của xã thời điểm đó là 1.646ha, trong đó hơn 1.061ha là trồng cam sành (cam đang cho trái 690ha).

Tùy thời điểm, giá cam sành dao động từ 10.000 - 18.000 đ/kg, lợi nhuận bà con thu được hàng trăm triệu đồng mỗi hecta.

Theo ông Phan Thanh Vũ, loại cây có múi này “bén rễ” ở Trà Côn từ lâu và nay ngày càng phát triển về quy mô, sản lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chờ xe tải lên hàng đi tiêu thụ.
Chờ xe tải lên hàng đi tiêu thụ.

Lãnh đạo xã cho biết hiện 6/7 ấp của xã đã chuyển hết diện tích đất lúa sang trồng cam sành gồm: Bang Chang, Tầm Vu, Trà Ngoa, Phạm Thị Mến, Ngãi Lộ B, Thôn Rôn; còn ấp Ngãi Lộ A còn 11ha đất lúa của bà con người dân tộc.

UBND xã cho biết trong thời gian tới: “Theo dõi chặt chẽ tình hình chuyển đổi từ diện tích trồng cây kém hiệu quả, không mang lại lợi ích kinh tế chuyển sang trồng những loại cây mang hiệu quả kinh tế cao, nhất là diện tích lúa chuyển lên vườn”.

Mở rộng thị trường cho cam sành

Ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Trà Ôn cho biết, diện tích vườn lâu năm có hơn 17.600ha, tăng 2.093ha.

Trong đó, vườn cây ăn trái 15.170ha, bao gồm cây cam sành hơn 8.781ha (cam sành trên đất lúa hơn 7.561ha, chiếm 86,12%).

Diện tích vườn cam sành đang cho hiệu quả kinh tế hơn 4.828ha, cam tơ 3.591ha. Giá cả và lợi nhuận bình quân một số loại cây ăn trái tương đối thuận lợi, trong đó cam sành 8.000 - 9.000 đ/kg, lãi từ 180 - 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, theo nhu cầu thị trường, giá cả có lúc lên cao hoặc xuống thấp hơn, lợi nhuận của người trồng cam sành sẽ thu được tương ứng.

 Sản xuất nông nghiệp, với cây cam sành nhất là cây cam sành trên đất lúa đã tạo nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân huyện Trà Ôn.
Sản xuất nông nghiệp, với cây cam sành nhất là cây cam sành trên đất lúa đã tạo nguồn lợi kinh tế đáng kể cho người dân huyện Trà Ôn.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, hiện hoạt động tiêu thụ cam sành ở Trà Ôn theo các phương thức: doanh nghiệp, hợp tác xã tự đầu tư, thuê đất trồng cam sành và lo luôn khâu tiêu thụ; mua bán truyền thống qua mối lái với đại diện nhóm nhà vườn trồng cam sành.

Ngoài đầu ra này, 2 năm qua huyện đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Koina về việc thu mua cam sành trên vùng đất Trà Ôn, bình quân mỗi ngày 30 tấn.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ hoạt động canh tác của bà con trồng cam sành, để cho ra trái cam sành đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, OCOP,... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường” - ông Nguyễn Văn Tám chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn trao đổi về thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết trên địa bàn năm 2022, cho biết “lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển”.

Đặc biệt, là việc canh tác cây cam sành, nhất là trồng cam sành trên đất lúa, lợi nhuận khá ổn định. Hiệu quả kinh tế từ cây cam đạt 300 - 400 triệu đồng/ha.

Thống kê ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, năm 2022 giá trị trên một đơn vị diện tích đạt 275 triệu đồng/ha/năm, tăng 68 triệu đồng/ha so với năm 2021.

Trong những nhiệm vụ trọng tâm ở năm 2023, huyện Trà Ôn sẽ triển khai hiệu quả nghị quyết của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Các tin khác: