Trong năm 2022, xuất siêu lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, một trong những điểm thành công nhất của năm 2022 là người nông dân và doanh nghiệp đã dần xóa bỏ tư duy "mùa vụ", "thương vụ". Người làm nông nghiệp đã nghĩ đường dài, biết nghĩ cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Trong năm 2022, xuất siêu lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, một trong những điểm thành công nhất của năm 2022 là người nông dân và doanh nghiệp đã dần xóa bỏ tư duy "mùa vụ", "thương vụ". Người làm nông nghiệp đã nghĩ đường dài, biết nghĩ cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã có những trao đổi xung quanh câu chuyện phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2022 và những biến động sau đại dịch COVID-19.
Thưa Bộ trưởng, những thành tích đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua đã được xã hội ghi nhận rất tích cực. Vậy Bộ trưởng cảm thấy tâm đắc nhất với thành tích nào ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2022?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Có lẽ điều tôi tâm đắc nhất chính là việc thay đổi cách tiếp cận với ngành kinh tế nông nghiệp.
Với muôn vàn khó khăn thách thức sau đại dịch như đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp tăng cao... thì những bước tăng trưởng của ngành nông nghiệp chứng tỏ một sức sống bền bỉ vô cùng.
Cũng chính vì lẽ đó, điều tự hào và sự phát triển của ngành không chỉ ở con số tăng trưởng mà là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp.
Vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp được thể hiện mạnh mẽ không chỉ bởi đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề của xã hội, đặc biệt là việc đảm bảo an ninh lương thực.
Trong khi nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy thì ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đứng vững.
Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, doanh nghiệp. Chúng ta thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa.
Cái được của ngành nông nghiệp thời gian qua là đang dần thoát "lời nguyền" nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.
Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã chặt chẽ hơn trước những biến động của thị trường - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Để thoát được "lời nguyền" này có lẽ vai trò định vị thị trường rất quan trọng. Vậy ngành nông nghiệp đã và đang làm gì để các sản phẩm nông nghiệp Việt tiếp cận với thị trường thế giới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đúng vậy, càng ngày chúng ta càng thấy rằng vai trò của thị trường, định vị thị trường quan trọng hơn sản xuất. Nếu chúng ta sản xuất mà không có thị trường thì sản phẩm sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian phát triển thị trường trong năm 2022 thể hiện rất rõ.
Chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm.
Trong năm 2022, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang EU. Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Như vậy, chúng ta chứng minh được nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất.
Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, hay mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… thay vì chỉ chú trọng vào sản lượng như trước kia đã tạo ra một sinh khí mới.
Tất cả sinh khí mới trong sản xuất đã cho thấy Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội.
Xã hội nhận thức rõ hơn về vai trò của nông nghiệp, từ đó thay đổi tư duy phát triển nông nghiệp theo mô hình mới dựa trên tăng trưởng tích hợp đa giá trị.
Không những thế, khi người nông dân và doanh nghiệp cùng chung chí hướng sản xuất và "dắt tay nhau" đến những thị trường lớn, nhiều mô hình mới cũng ra đời.
Chính những mô hình kinh tế này lại là gợi ý rất rõ ràng để chúng tôi tư duy phát triển chính sách không chỉ cho nông nghiệp quy mô hàng hóa lớn mà còn chăm lo cho những mô hình nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại giá trị tri thức bản địa.
Ví dụ như lúa bậc thang của đồng bào vùng trung du miền núi không so sánh được với Đồng bằng sông Hồng và càng không thể so được với Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng bà con dân tộc biết phát huy giá trị đó lên, biết kể một câu chuyện để làm du lịch nông thôn và các lãnh đạo địa phương biết chăm chút hơn từng sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị.
Đó chính là giá trị liên kết giữa nhà nước, thị trường và xã hội, giữa nhà nước với doanh nghiệp nông nghiệp, bà con nông dân, hợp tác xã.
Các hoạt động của hợp tác xã, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp cần bám sát với thị trường hơn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Trong Hội nghị về tổng kết ngành nông nghiệp vừa qua, Bộ trưởng có nêu sự biến động của thị trường là thường trực và sự chủ động duy nhất chúng ta có đó là tâm thế sẵn sàng. Vậy năm 2023, ngành nông nghiệp đã sẵn sàng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải nói rằng, mọi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có kế hoạch để chủ động thích ứng.
Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm quá trình sản xuất có tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu... hay không.
Điển hình nhất trong lĩnh vực thủy sản, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một minh chứng cho thấy thị trường không chỉ quan tâm độ ngon của hải sản mà còn các vấn đề theo luật pháp quốc tế.
Đây là sức ép buộc ngành nông nghiệp phải thay đổi. Việc chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn, có nhiều cơ hội hơn để xây dựng hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam trách nhiệm, bền vững.
Những cam kết của Việt Nam trước thế giới về việc sản xuất đảm bảo môi trường và ngành nông nghiệp bền vững trong chuỗi giá trị lương thực toàn cầu phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của người sản xuất, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp.
Cho đến giờ hầu như chúng ta chỉ xuất khẩu thô nên còn rất nhiều dư địa để bảo quản, chế biến sâu cho nông sản. Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa. Chúng tôi cũng đang trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi, thay vì các doanh nghiệp chỉ mua đi bán lại.
Bên cạnh đó, hiện nay việc làm ở nông thôn là vấn đề quan trọng. Sắp xếp lại sản xuất sẽ tạo ra nhiều việc làm cho khu vực nông thôn. Năm 2023, ngành nông nghiệp phải đi sâu vào kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn. Muốn vậy hoạt động của hợp tác xã, sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp cần bám sát với thị trường hơn.
Đất nước chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp không đứng ngoài sự phát triển này. Trước kia cần nhiều người ngoài đồng nhưng nay chỉ cần bấm điện thoại cũng có thể sản xuất được trên đồng ruộng.
Chính vì vậy, người nông dân đang dần chuyển qua mảng công nghiệp-dịch vụ. Như vậy phải tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn bằng kinh tế nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp; đảm bảo sự phát triển của người nông dân luôn song hành với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!
Theo Đỗ Hương/Báo điện tử Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin