Nâng cao vai trò của xúc tiến thương mại

Cập nhật, 22:19, Thứ Sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Nhưng qua đó, càng thấy được tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại trong vai trò thúc đẩy hợp tác, giao lưu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
 Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò kết nối giữa các đơn vị cung cấp và phân phối sản phẩm địa phương.
Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò kết nối giữa các đơn vị cung cấp và phân phối sản phẩm địa phương.
Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường 
 
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công Thương), năm 2022, sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động xúc tiến thương mại được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, các đơn vị liên quan nên các hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai đạt kế hoạch đề ra. Trong đó có nhiều hoạt động nổi bật, góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. 
 
Theo ông Hồ Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh, hoạt động xúc tiến thương mại đã đạt kế hoạch đề ra, như: tổ chức hội chợ, phiên chợ trong tỉnh; tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu; giao thương nước ngoài, thông tin, thương mại điện tử...
 
Nhiều hoạt động tạo được sức lan tỏa, hiệu quả trong vai trò kết nối các doanh nghiệp lại với nhau như: tham gia Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL - Hậu Giang; Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng; Hội chợ Đặc sản vùng miền Hà Nội; kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại TP Hồ Chí Minh; Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung;
 
Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” tại TP Hồ Chí Minh; hội nghị giao thương, xúc tiến tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp Vĩnh Long với Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Ý; hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh; tổ chức giao thương tại Singapore và Malaysia;…
 
“Chương trình xúc tiến thương mại có mức độ linh hoạt, thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường từng thời điểm. Ví dụ như trong chuyến tổ chức giao thương tại Singapore vừa qua, đã có 2 doanh nghiệp Singapore bay sang Việt Nam để thăm Nhà máy Lộc Kim Chi của Vĩnh Long”- ông Nghĩa chia sẻ.
 Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò kết nối giữa các đơn vị cung cấp và phân phối sản phẩm địa phương.
Công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò kết nối giữa các đơn vị cung cấp và phân phối sản phẩm địa phương.
 
Theo ông Nghĩa, hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò là cầu nối, là “bà mối” để các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc và cùng hợp tác phát triển trên nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi”. “Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp của tỉnh nhận thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Qua đó, nhiều doanh nghiệp kết nối được với đối tác, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ”- ông Nghĩa cho biết.
 
Nâng cao vai trò “cầu nối” của xúc tiến thương mại
 
Theo Cục Xúc tiến thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua đã thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19 để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc kết nối cung cầu trên thị trường trong nước, khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu.
 
Đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại luôn kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, qua đó hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, giúp các địa phương kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu…
 
Bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (TP Vĩnh Long) cho biết, từ năm 2011, doanh nghiệp đã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu: “Nhờ đó mà doanh nghiệp đã tiếp cận với nhiều nhà phân phối lớn, góp phần mở rộng các kênh tiêu thụ, doanh thu tăng dần từng năm. Có thể nói, công tác xúc tiến thương mại chính là cầu nối uy tín để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, lâu dài”.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt, với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, ổn định đầu ra, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm để xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Đặc biệt là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, trong đó có thị trường quan trọng là TP Hồ Chí Minh.
 
Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất được trên 900.000 tấn lúa, 660.000 tấn trái cây các loại, 680.000 tấn rau đậu. Các sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Vĩnh Long ngày càng được cải tiến nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.
 
Đến nay, Vĩnh Long đã có 118 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, 73 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường, như: gạo Phước Thành IV, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trái cây sấy Đông Phát Food,…
Công tác xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Công tác xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
“Công tác xúc tiến thương mại, thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung cầu đã góp phần không nhỏ giúp tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm của tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
Việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời cũng là dịp để nhà đầu tư đến Vĩnh Long khảo sát và đầu tư vào hạ tầng thương mại dịch vụ của tỉnh”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt nhận định.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thì xúc tiến thương mại giống như “bà mối” trong việc kết nối cung cầu, thị trường cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong và sau đại dịch COVID-19, trước những thay đổi từ phía người tiêu dùng, có những đòi hỏi cao hơn của nhà mua hàng quốc tế, công tác xúc tiến thương mại phải có những đánh giá, đổi mới và đa dạng phương thức trong việc kết nối giao thương. 
Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

Các tin khác: