Một năm của phục hồi và phát triển

Cập nhật, 07:24, Thứ Tư, 04/01/2023 (GMT+7)

 

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện ở các lĩnh vực.
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện ở các lĩnh vực.

Theo UBND tỉnh, năm 2022, những chủ trương, chỉ đạo, điều hành phù hợp, linh hoạt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc triển khai quyết liệt của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm trong thực hiện các nhiệm vụ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi và phát triển.

Tăng trưởng ổn định

Hoạt động du lịch được phục hồi, nhất là kể từ sau kiểm soát được dịch bệnh, tổng doanh thu tăng; phát triển doanh nghiệp (DN) có nhiều khởi sắc, với 440 DN thành lập mới, đưa số DN đang hoạt động lên 3.900 DN. Nhiều vướng mắc kéo dài được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt kết quả tích cực.

Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được chú trọng; chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công được quan tâm; hỗ trợ người dân, lao động gặp khó do dịch bệnh được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; công tác tiếp dân, đối thoại giải quyết khó khăn, khiếu nại được thực hiện tốt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao…

Tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa X, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2023 UBND tỉnh đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu để lãnh đạo, chỉ đạo như: tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8%; GRDP bình quân đầu người 77,2 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%...

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tập trung thực hiện như thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới…

Trong năm qua, Vĩnh Long đã thực hiện đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu chủ yếu (cao nhất từ năm 2019 đến nay). Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 11,28%, thu ngân sách vượt 3,4% dự toán; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,52% so cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 38%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,2%.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, hội nghị kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố trong nước và một số hoạt động xúc tiến ngoài nước. Xuyên suốt những hoạt động đó là những cam kết của lãnh đạo tỉnh về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cam kết sát cánh cùng DN khi đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Các mặt về đời sống kinh tế, tinh thần người dân từng bước được nâng lên.  Ảnh minh họa
Các mặt về đời sống kinh tế, tinh thần người dân từng bước được nâng lên. Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch và thương mại giữa Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào tháng 11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời cho rằng, so với tiềm năng thế mạnh vốn có của tỉnh thì những kết quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua mới chỉ là bước đầu, còn nhiều hạn chế, khó khăn thể hiện ở các mặt như kết cấu hạ tầng còn yếu và thiếu;

chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lành nghề còn thấp so với mức bình quân cả nước; phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thể hiện qua cơ cấu nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội còn hạn chế…

Từ đó, ông Lữ Quang Ngời nhấn mạnh: Thời gian tới, nhằm tạo thêm động lực và củng cố niềm tin của cộng đồng DN, các nhà đầu tư khi đến Vĩnh Long đầu tư và phát triển, Vĩnh Long luôn đồng hành sát cánh cùng DN, cam kết sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với tinh thần thái độ hết mực phục vụ người dân, DN.

“Vĩnh Long tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với công khai, minh bạch hóa thông tin cho DN. Tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho DN. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại nhằm trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…”, ông Lữ Quang Ngời cam kết.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2022 trên địa bàn tỉnh; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đồng thời triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Vĩnh Long; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt trong tiếp xúc, gặp gỡ với các nhà đầu tư, DN theo hướng bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai,...

Bài, ảnh: KHÁNH DUY