Kinh tế Vĩnh Long: một năm nỗ lực tạo đà tăng trưởng

Cập nhật, 01:21, Thứ Sáu, 06/01/2023 (GMT+7)

Đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long có 20/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt, trong đó có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt trên 40.000 tỷ đồng, tăng 11,28% so với năm 2021, tăng cao nhất trong 10 năm qua.

So với khu vực ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng GRDP Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 3 và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kỳ 1: Doanh nghiệp nỗ lực, sáng tạo vượt khó

Doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngành chức năng tạo điều kiện để phục hồi và phát triển, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Vĩnh Long đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động đổi mới sáng tạo, từng bước phục hồi sau 2 năm đại dịch và tạo đà phát triển bền vững.

Càng khó khăn càng phải linh hoạt chuyển đổi và thích ứng

Theo đánh giá của nhiều DN, hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2022 thậm chí còn khó khăn hơn cả 2 năm trong đại dịch COVID-19 trước đó. DN phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rủi ro do ảnh hưởng chung tình hình thế giới tác động đến sản xuất, thị trường trong và ngoài nước.

Sau đại dịch, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức như lạm phát, suy thoái kinh tế khiến sức cầu, tiêu dùng giảm. Hơn nữa, theo ông Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, các chi phí như giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, logistics… đều tăng đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của một số ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, mỗi DN đã và đang tìm cho mình lối đi riêng, thích ứng và chuyển đổi hướng đi phù hợp điều kiện sản xuất, khả năng tài chính. Ông Nam cho rằng, dù những yếu tố bất lợi đó tác động đến hoạt động sản xuất của các DN, nhưng đây cũng là cơ hội “sàng lọc” để DN đánh giá lại thị trường, lựa chọn giải pháp tài chính và chiến lược kinh doanh phù hợp.

Việc chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao… là cách mà không ít DN đã làm. Theo bà Lê Trúc My - Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai: Như nhiều DN và cơ sở sản xuất khác, DN cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để vượt qua, DN đã đẩy mạnh kênh thương mại điện tử cũng như tìm kiếm thêm nhiều đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Từ đó, so với cùng kỳ những năm trước, số lượng đơn đặt hàng năm nay có sự tăng vọt. Hiện DN cũng đầu tư máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Thụ - Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Putin: So với năm trước, tình hình hoạt động của DN đã tốt hơn, nhất là 3 tháng gần đây sản xuất ổn định và tăng trưởng tốt. “Sau đại dịch COVID-19 người chăn nuôi đã tái đàn, nên sản lượng thức ăn tăng hơn 50%. Trong 9 tháng của năm 2022, doanh thu của DN đã tăng 140%” - ông Thụ nói.

Với sự nhạy bén, xác định chiến lược kinh doanh, cơ cấu tổ chức sản xuất phù hợp, nên Công ty TNHH Quốc Thảo còn từng bước mở rộng phát triển. Ông Cao Minh Quốc - Giám đốc công ty cho biết: DN cũng không tránh khỏi ảnh hưởng dịch bệnh.

Trong đó, không đủ nguồn nguyên liệu cũng đã khiến công ty cắt giảm bớt lượng lao động, từ 800 lao động giảm còn 500 lao động. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, khủng hoảng, đòi hỏi người chủ phải không sợ thất bại. Có thất bại thì phải đứng dậy tiếp tục tiến lên. Đồng thời, phải đầu tư để có được giá trị tương xứng. “DN phải đổi mới tư duy, linh hoạt trong sản xuất, phải sản xuất những gì thị trường cần, thế giới cần chứ không phải sản xuất những gì mình có” - ông Quốc nói.

Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp thích nghi tốt hơn để tồn tại và phát triển.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp thích nghi tốt hơn để tồn tại và phát triển.

Xác định lợi thế Vĩnh Long có rất nhiều dư địa về sản xuất nông nghiệp, nguồn lao động tại nông thôn, Công ty Quốc Thảo đã mở rộng về nông thôn để tận dụng nguồn lao động tại chỗ. “Năm tới dự báo nhu cầu thị trường sẽ tăng 10 - 20%, nhưng dự đoán DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Do đó, DN phải biết tận dụng tiềm năng phát triển thành động lực. Quốc Thảo đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất riêng, đồng thời mở rộng tìm nguyên liệu ở các khu vực khác” - ông Quốc cho biết.

Ông Trần Văn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thiên Lộc thì chia sẻ: DN phải tính toán tiết giảm các chi phí, chấp nhận lợi nhuận ít hơn để giữ chân khách hàng, nhà phân phối tin tưởng thương hiệu của DN mình. Hơn nữa, dù đối mặt với nhiều khó khăn, DN vẫn phải thực hiện tăng lương thường niên, đảm bảo chế độ đối với người lao động vì “đó là trách nhiệm, chia sẻ của DN đối với người lao động giúp họ yên tâm làm việc, cống hiến cho DN”.

Khó khăn là tạm thời, cơ hội là rộng mở

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều DN đã tìm ra giải pháp thích nghi tốt hơn để tồn tại và phát triển bởi “khó khăn là tạm thời, cơ hội là rộng mở”. Nhiều DN cho rằng, để sản xuất bền vững, người đứng đầu DN cần vững tay chèo tạo chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Khó khăn cũng chính là môi trường tôi luyện để mỗi DN sắp xếp, cơ cấu lại mô hình kinh doanh, sản xuất của mình. Những DN nhạy bén, linh hoạt thích ứng và sáng tạo trong giai đoạn này sẽ có cơ hội để phát triển nhanh, bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Do tác động của tình hình chung, trong năm qua, DN vừa duy trì sản xuất vừa “phòng thủ” không mở rộng thị trường, khách hàng mới để hạn chế rủi ro. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV: Công ty đã giảm khoảng 75% đơn hàng xuất khẩu trong năm 2022. Nhưng nhờ nhận định, lường trước những biến động có thể xảy ra và đề ra giải pháp thích ứng phù hợp nên DN không rơi vào thế bị động.

Khi thị trường xuất khẩu hạn chế, DN chú trọng thị trường tiêu thụ trong nước, phát triển các dòng gạo chất lượng cao như: sản phẩm gạo lúa tôm, ST25 và đổi mới bao bì bắt mắt hơn. Cùng với liên kết các vùng nguyên liệu, DN quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo, nhằm nâng cao giá trị hạt gạo.

Ông Thành dự đoán, thời gian tới, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, đây là cơ hội để các DN xuất khẩu nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp thích nghi tốt hơn để tồn tại và phát triển.
Nhiều doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp thích nghi tốt hơn để tồn tại và phát triển.

Thành lập công ty trong năm 2022 và phải đối mặt “thời gian đầy gian nan, thử thách với DN”, theo anh Phan Hoàng Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Phúc Hoàng Lâm “càng phải bản lĩnh để trong cái khó ló cái khôn”.

DN của anh Phúc cũng đã nỗ lực vượt qua đại dịch, tìm lấy cơ hội, thích ứng linh hoạt, dựa vào công nghệ 4.0 để phát triển. Kinh doanh sản phẩm nhà thông minh, anh Phúc chia sẻ: DN tập trung vào quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên mạng xã hội, làm các video thiết kế nhà thông minh.

Trước đây, khách hàng tiềm năng là các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, còn hiện nay, công ty cũng quan tâm đến các sản phẩm thiết kế không gian hộ gia đình. Với những bước đi vững và chắc như vậy, anh Phúc kỳ vọng thị trường sẽ rộng mở: “Phân khúc khách hàng tuy còn hẹp, nhưng trong tương lai, tôi nghĩ nhiều người sẽ tìm đến ngôi nhà thông minh hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Theo ông Cao Minh Quốc, DN muốn tồn tại và phát triển thì phải biết hội nhập, phải hiểu thị trường cần gì. Đối với việc tận dụng lao động, nguyên liệu tại địa phương, để có hiệu quả đòi hỏi phải có sự liên kết và HTX chính là đầu mối liên kết quan trọng. Bộ máy lãnh đạo HTX phải có trình độ, tầm nhìn định hướng phát triển lâu dài; còn nông dân cũng phải đổi mới tư duy, phải nâng chất lượng nông sản. Bên cạnh, DN mong muốn sẽ tiếp tục được đồng hành và sự hỗ trợ của ngành chức năng, lãnh đạo tỉnh chia sẻ khó khăn, lắng nghe DN nhiều hơn.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC - THẢO LY

>> Kỳ cuối: Biến tiềm năng thành động lực phát triển