Phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn chuyển đổi số

11:12, 30/12/2022

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) - Phân hiệu Vĩnh Long phối hợp với Sở KH - ĐT, Hội Doanh nhân trẻ và Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 9 - MobiFone tỉnh Vĩnh Long, tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trong giai đoạn chuyển đổi số (CĐS)".

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

(VLO) Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) - Phân hiệu Vĩnh Long phối hợp với Sở KH - ĐT, Hội Doanh nhân trẻ và Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 9 - MobiFone tỉnh Vĩnh Long, tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trong giai đoạn chuyển đổi số (CĐS)”.

Ông Nguyễn Khắc Nhu - Phó Giám đốc Sở KH - ĐT, cho rằng: “Trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp (DN) có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

CĐS giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh nhờ việc tối ưu hóa quản trị, chi phí, lợi nhuận, nhân công, tương tác nhanh chóng với khách hàng…

Để khơi dậy tiềm năng, đóng góp quan trọng của khu vực KTTN vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của KTTN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020 - 2025.

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, trong giai đoạn khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhanh chóng như hiện nay thì DN gặp phải một số khó khăn: môi trường chưa thật sự thuận lợi, khó khăn về vốn đầu tư, số lượng DN tuy có tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra…

Đặc biệt, DN gặp nhiều trở ngại về công nghệ, trong đó, các DN nhỏ và vừa vẫn chiếm số lượng đông đảo, nhưng là nhóm gặp khó khăn nhất trong việc CĐS. Theo đó, “đề án nhằm khắc phục những yếu kém, khai thác, huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đến năm 2025”.

Mục tiêu giai đoạn này, trung bình mỗi năm có khoảng 400 - 410 DN thành lập mới, có từ 25 - 50 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang các loại hình DN và mỗi năm ít nhất 1 - 3 HTX mới thành lập.

Bên cạnh, gia tăng các nguồn lực của KTTN: tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2025 đạt tối thiểu 23%; quy mô lao động bình quân mỗi DN tăng 10%/năm; tăng trưởng vốn kinh doanh bình quân ở mỗi DN 10 %/năm.

Đồng thời, gia tăng kết quả sản xuất kinh doanh và nâng cao vai trò của KTTN trong phát triển kinh tế tỉnh: tăng năng suất lao động bình quân đạt mức 10 %/năm.

Ngoài ra, đề án cũng đã đề xuất những giải pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực KTTN như: hỗ trợ tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển thị trường…

Hỗ trợ CĐS

Ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết thêm, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý cho CĐS. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chiến lược quốc gia về CĐS tại địa phương; đẩy nhanh CĐS có trọng tâm, trọng điểm, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song song đó, tỉnh đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn. Số sản phẩm đưa lên 2 sàn là: 524 sản phẩm (trong đó, số sản phẩm đưa lên sàn của Voso.vn: 433 sản phẩm, với 13.728 hộ sản xuất tham gia sàn, sản lượng 10.040 đơn hàng, doanh thu đạt gần 460 triệu đồng).

Cùng với đó, các DN, tổ chức kinh tế đã sử dụng hóa đơn điện tử; có trên 200 tiểu thương tại chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt (Viettel Money),…

Bên cạnh, đã ký kết hợp tác chiến lược về CĐS giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nhằm xây dựng chiến lược CĐS, hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh cũng vừa đề xuất với Bộ Thông tin - TT tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn triển khai hiệu quả các kế hoạch CĐS của tỉnh và nâng cao chỉ số CĐS của tỉnh trong thời gian tới.

Để thúc đẩy phát triển KTTN, tại hội thảo, các đại biểu đã có các tham luận, ý kiến đề xuất tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho khu vực KTTN; hỗ trợ KTTN tham gia các sàn giao dịch điện tử, mở rộng khả năng gia nhập thị trường.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số; tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Bà Phan Thị Hà - Khoa Cơ bản (Phân hiệu UEH tại Vĩnh Long) cho rằng, trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần đánh giá đúng bản chất, tính ưu việt và hạn chế của từng thành phần kinh tế. Đồng thời, xem KTTN là động lực, đặt trong mối liên hệ phổ biến với các thành phần kinh tế khác bảo đảm bình đẳng, công bằng và phát triển.

Ông Nguyễn Khắc Nhu nhấn mạnh, để khu vực KTTN phát huy vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn CĐS hiện nay, cần tập trung hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất.

Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp, hỗ trợ đăng ký xác lập và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, doanh nhân trong đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới.

Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có 20% DN được cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 15% DN được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS DN; 15% DN ứng dụng các hình thức thương mại điện tử; 15% DN có website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh