Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị và lên các phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa Tết. Đồng thời, cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát và kích cầu tiêu dùng…
Nhiều doanh nghiệp cho biết lượng hàng hoá dịp Tết Nguyên đán đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường. Ảnh minh họa |
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị và lên các phương án nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa Tết. Đồng thời, cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát và kích cầu tiêu dùng…
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa Tết
Hiện nhiều DN đã có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa Tết và đăng ký tham gia bình ổn thị trường Tết. Theo ghi nhận, hàng hóa năm nay được nhiều DN sản xuất đa dạng mẫu mã, bao bì và sản phẩm ở tất cả các phân khúc từ bình dân đến cao cấp.
Theo ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Co.opmart Vĩnh Long, hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu mua sắm hàng hóa thời gian tới, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tươi sống phục vụ Tết.
“Qua theo dõi, dự đoán tình hình sức mua dịp Tết năm nay tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ. Hệ thống cũng đa dạng hóa nhiều sản phẩm từ bình dân đến cao cấp, các mặt hàng quà tặng cao cấp, các loại giỏ quà tặng cũng được “thiết kế” nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, ông Hoàng cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn TP Vĩnh Long, các mặt hàng thực phẩm, trái cây ngoại nhập đã và đang được người tiêu dùng tiếp nhận, do chất lượng cũng như tính “cao cấp” khi được sử dụng làm quà tặng. Theo bà Lê Trúc My - Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai, nhu cầu của thị trường các loại bánh kẹo, trái cây nhập khẩu cao cấp được tiêu thụ khá mạnh những năm gần đây. “Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được “set up” sẵn nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng, từ bình dân đến cao cấp. Năm nay, thị trường trái cây ngoại nhập dự đoán tăng nhẹ hơn so với mọi năm, giá vẫn ổn định để kích cầu tiêu dùng”, bà My chia sẻ.
Dựa vào tình hình thực tế, các DN sẽ điều tiết hàng hóa đảm bảo nguồn cung ổn định, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo ông Hoàng, hiện đơn vị có tổng kho ở khu vực miền Tây nên không lo thiếu hụt nguồn cung. “Tùy tình hình mà sẽ cho nhập hàng, đảm bảo nguồn cung dịp Tết, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm,…
Đặc biệt, năm nay đơn vị cũng sẽ tổ chức 3 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Hiếu Thành (Vũng Liêm), TT Tam Bình và chợ Tết Công đoàn (KCN Hòa Phú). Qua đó góp phần thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tường Nam - Giám đốc DNTN Hồng Hương cho biết, DN đã lên phương án đảm bảo nguồn cung cũng như đảm bảo giá cả thị trường. Tuy nhiên, dự báo tình hình tiêu thụ Tết có tăng so với ngày thường nhưng vẫn giảm khoảng 10% so với mọi năm. “Nhìn chung, các mặt hàng do đơn vị sản xuất là hàng hóa thiết yếu nên cần đảm bảo nguồn cung”- ông Nam cho biết.
Tích cực bình ổn thị trường
Trong những tháng đầu năm 2022, do tình hình giá xăng dầu thế giới tăng làm cho giá xăng dầu trong nước tăng theo. Điều này tác động đến chi phí đầu vào trong sản xuất hàng hóa và chi phí vận chuyển tăng, làm cho giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế, đời sống.
Như thường lệ hàng năm, chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, kích cầu tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu mới cập nhật, hiện đã triển khai vận động 13 đơn vị, DN, HTX tham gia chương trình bình ổn thị trường, ước vốn dự trữ hơn 205 tỷ đồng với nhiều loại hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra còn các hệ thống siêu thị như Co.opmart Vĩnh Long, Bách hóa Xanh, Winmart, Winmart+, Cửa hàng Hoa Sao, Cửa hàng Co.op Food… tham gia cung cấp hàng bình ổn dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Hoàng, năm nay, đơn vị đăng ký 11 nhóm mặt hàng tham gia bình ổn thị trường như: gạo, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến các loại, rau củ quả, đường, dầu ăn các loại,… với tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng. “Đơn vị đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, các mặt hàng riêng có giá cả phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Đặc biệt là mong muốn được chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng khi giá cả nhiều mặt hàng có chiều hướng tăng cao trong thời gian qua”- ông Hoàng cho biết.
Theo bà My, đơn vị cũng đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết với tổng vốn khoảng 10 tỷ đồng. “Đây là chương trình hay, đảm bảo nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định trong đợt cao điểm Tết. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ, đồng hành cùng với người tiêu dùng”- bà My cho biết.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2023 nhằm chia sẻ với người tiêu dùng. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời, để bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Đồng thời cũng sẽ tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Tại phiên chất vấn kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời cho biết, đối với vấn đề bình ổn giá cả thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào, giá cả hàng hóa nhập khẩu đều tăng; nhất là xăng dầu đã làm tăng giá chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong quý III/2022, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, vì vậy, giá nguyên, vật liệu, giá cước vận chuyển, nhiều hàng hóa tiêu dùng được điều chỉnh giảm theo đà giảm giá của xăng dầu đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin