Giá cả thị trường tăng, ảnh hưởng đời sống nhân dân; thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp,… đó là những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa X vừa qua. Trên tinh thần trách nhiệm, những nội dung "nóng" được nhiều cử tri quan tâm đã được giải trình làm rõ.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. |
(VLO) Giá cả thị trường tăng, ảnh hưởng đời sống nhân dân; thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn thấp,… đó là những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn tại kỳ họp lần thứ 5 HĐND tỉnh khóa X vừa qua. Trên tinh thần trách nhiệm, những nội dung “nóng” được nhiều cử tri quan tâm đã được giải trình làm rõ.
Bình ổn nguồn cung
Chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương, đại biểu Lê Chí Thanh - đơn vị TP Vĩnh Long đặt vấn đề: “Trước tình trạng giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, xu hướng tăng giảm thất thường, dẫn đến giá cả sinh hoạt ngày càng tăng; nhiều cử tri phản ánh việc giá cả thị trường tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt người dân nhất là nông dân, công nhân, công chức, viên chức có thu nhập thấp.
Xin cho hỏi, thực hiện Nghị quyết 85 của Chính phủ, ngành công thương đã có giải pháp gì trong việc theo dõi thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là hàng hóa thiết yếu; công tác thanh tra, kiểm tra chống hàng gian, hàng giả giúp bình ổn giá cả?”.
Ông Trương Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, nhất là những tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu có những biến động bất thường dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có một số cửa hàng đại lý không mua được nguồn hàng, tình trạng chiết khấu của các doanh nghiệp phân phối cho các đại lý thấp, có lúc bằng 0; do đó, các đại lý hoạt động cầm chừng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thì không nhiều cửa hàng đại lý gặp phải tình trạng này. Cụ thể, toàn tỉnh có 362 cửa hàng, đại lý được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này; số cửa hàng ngưng nghỉ là khoảng 20 cửa hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành làm việc với các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn.
Theo đó, có 8 doanh nghiệp phân phối cam kết nhập đủ hàng và phân phối cho các đại lý; 322 cửa hàng cam kết thực hiện việc đăng ký mua hàng và chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Từ tháng 11 đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại.
Về thực hiện Nghị quyết 85 của Chính phủ, trước tình hình giá cả hàng hóa tăng cao do tác động tăng giá xăng dầu, ngành công thương đã có giải pháp nhằm kịp thời cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Cụ thể, theo dõi, nắm sát tình hình diễn biến cung cầu, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu để từ đó có tham mưu cho UBND tỉnh những cơ chế, chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong việc bình ổn giá cả thị trường trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở đã xây dựng chương trình bình ổn thị trường năm 2023.
Theo đó, vận động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh tham gia chương trình đối với nhiều loại hàng hóa. Để thực hiện tốt chương trình này, sở đã làm việc với Siêu thị Co.opmart đưa chuyến hàng lưu động về nông thôn trước Tết Nguyên đán.
Đồng thời, xúc tiến thực hiện các hội chợ xuân, các chương trình khuyến mãi tạo điều kiện cho người dân mua sắm trong dịp lễ tết.
Ông Trần Thanh Sử cho biết thêm, để thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, nguồn hàng dự trữ năm nay tương đối phong phú với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng.
Đồng thời, vận động được hơn 130 các hộ tiểu thương kinh doanh tại các chợ hạng I, hạng II tham gia chương trình này.
Sở cũng đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho BCĐ 389 xây dựng kế hoạch kiểm tra trong dịp tết, phòng ngừa và xử lý nghiêm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, công an có kế hoạch kiểm tra trong lưu thông, vận chuyển đối với các mặt hàng.
Giải pháp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp
Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, cải thiện đời sống người dân. Ảnh minh họa |
Trăn trở trước kết quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đại biểu Nguyễn Văn Nhỏ - đơn vị huyện Long Hồ chất vấn: “Với trách nhiệm phụ trách, xin ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết một số kết quả cụ thể trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh ta thời gian qua.
Vì sao kết quả đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản còn thấp, quy mô nhỏ, chưa thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có phải do chính sách thu hút của tỉnh ta chưa phù hợp? Giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới?”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Liệt cho biết, đến nay, có 224 dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Long với tổng mức đầu tư là khoảng 36.000 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh có 24 dự án khoảng 13.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với khoảng 50 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh - Lữ Quang Ngời cũng cho biết, trong những năm qua, ngoài việc triển khai thực hiện tốt, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh còn vận dụng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh, được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 97 của HĐND tỉnh trong việc hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng dự án, vốn thu hút chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; chính sách thu hút đầu tư còn chưa đủ mạnh.
Phân tích nguyên nhân việc đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, ông Nguyễn Văn Liệt đã chỉ ra nhiều nguyên nhân như thị trường nông nghiệp rất bấp bênh; hạ tầng giao thông của Vĩnh Long chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, hầu hết các đường tỉnh không đáp ứng được nhu cầu đấu nối với quốc lộ.
Ngoài ra, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Sản phẩm hàng hóa còn nhỏ lẻ, chưa cung ứng được nhu cầu số lượng lớn…
Vì vậy, hướng tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAPI); xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh, cần thực hiện được quy hoạch vùng, bám vào quy hoạch để thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông phục vụ cho tất cả các dự án kêu gọi đầu tư…
Bài, ảnh: YẾN - NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin