Lo ngại hàng hóa tăng giá cuối năm

Cập nhật, 13:51, Thứ Năm, 10/11/2022 (GMT+7)

 

Giá cả nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng vào cuối năm. Ảnh minh họa
Giá cả nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng vào cuối năm. Ảnh minh họa

Tình hình biến động giá cả thời gian qua tuy được kiểm soát thông qua việc rà soát giảm giá bán, giảm gánh nặng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, áp lực giá cả có khả năng tăng cao vào mùa tiêu dùng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm nhẹ, nhưng...

Theo Cục Thống kê, giá xăng dầu liên tiếp được điều chỉnh, bình quân tháng 10/2022 chỉ số giá xăng dầu giảm 5,8% so với tháng trước, giá gas cũng được điều chỉnh giảm. Đồng thời ghi nhận giá hầu hết các mặt hàng rau cải, thủy hải sản tươi sống, thịt và trứng gia cầm cũng có xu hướng giảm;… đã tác động làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, CPI tháng 10 giảm 0,2% so với tháng trước.

Tuy nhiên, sau 10 tháng (tức tháng 10/2022 so với tháng 12/2021) CPI tăng 3,1%, cao hơn tốc độ tăng CPI cùng kỳ 0,78 điểm phần trăm. CPI bình quân trong 10 tháng của năm 2022 tăng 2,72% so với cùng kỳ. Đặc biệt là CPI bình quân 10 tháng của 25/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh như: gas và các loại chất đốt; nhóm giao thông, dịch vụ giáo dục, điện và dịch vụ điện, dịch vụ vệ sinh môi trường, ăn uống ngoài gia đình, hàng hóa và dịch vụ cho cá nhân, nhóm nhà ở, rượu bia, đồ dùng học tập và văn phòng…

Theo khảo sát giá cả hàng hóa tại chợ Vĩnh Long, giá cả trong tháng 10 tương đối bình ổn, giá nhiều mặt hàng có giảm nhưng hiện tại, một số mặt hàng đã có dấu hiệu tăng giá trở lại. Cụ thể, nhiều mặt hàng rau củ quả tăng giá do nhu cầu cao nhưng nguồn cung không đủ do thiệt hại bởi thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh, giá các loại gia cầm như gà ta, vịt ta và vịt xiêm cũng duy trì ở mức khá cao. Theo một số tiểu thương chuyên mua bán mặt hàng gà vịt sống giá tăng khoảng 5.000 - 10.000 đ/kg tùy loại. Đồng thời cũng cho biết giá tăng là do chi phí thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tăng.

Trong khi đó, giá thức ăn gia cầm các loại có giá hơn 350.000 đ/bao l25kg tùy loại, tăng nhẹ khiến người dân phải “e dè” trong việc mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm vì lo ngại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tương tự, giá nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục “ở đỉnh giá” khiến nông dân “tính toán lại” trong việc xuống lúa, trồng màu phục vụ nhu cầu thị trường, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị hàng hóa dịp Tết sắp tới.

Áp lực tăng giá cuối năm

Giá cả các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh lên hoặc xuống cũng đều ảnh hưởng đến mặt bằng chung của giá cả hàng hóa. Tại cuộc họp thường kỳ tháng 10, UBND tỉnh đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tín dụng được kiểm soát mức thấp nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là các khoản nợ đã được cơ cấu lại do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19; áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng còn cao, nhất là vào những tháng cuối năm 2022; tình hình sản xuất nông nghiệp - thủy sản và tiêu thụ một số nông sản còn gặp khó khăn; các ổ dịch trên vật nuôi còn diễn biến phức tạp... 

Trong khi đó, một số mặt hàng thiết yếu tăng mạnh so với đầu năm và khó có khả năng giảm giá như trứng gia cầm, các mặt hàng mì gói,… hiện có mức giá tăng khoảng 50%. Ngoài ra, nếu như theo “thông lệ”, mặt hàng thịt heo có nhu cầu rất lớn vào dịp cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các “đầu mối hoặc các đơn vị cung cấp có quy mô lớn” nếu không đảm bảo được nguồn cung rất có thể sẽ gây ra tình trạng tăng giá phi mã vào dịp cuối năm là rất lớn. Điều này càng đúng hơn khi số lượng tái đàn heo trong dân hiện nay rất thắp do ảnh hưởng của giá thức ăn gia súc đang ở mức cao…

Ngoài ra, tại kỳ điều hành ngày 1/1/2022, giá xăng RON95-III không cao hơn 22.756 đ/lít, tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành; xăng E5RON92 không cao hơn 21.873 đ/lít, tăng 377 đ/lít so với giá bán lẻ hiện hành... Với mức giá này sẽ góp phần làm cho giá cả nhiều loại hàng hóa có thể tăng trong thời gian tới.

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu một số sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đặc biệt là ổn định giá cả thị trường, thực hiện các biện pháp bình ổn giá… Trong đó, Sở Công Thương cần tập trung quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, đạc biệt là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Tăng cường phòng, chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại...

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng BCĐ Điều hành giá, tại cuộc họp của BCĐ Điều hành giá về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng của năm 2022 và định hướng các tháng cuối năm. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY