Thời điểm này, nhiều nông dân trồng chôm chôm tại Long Hồ đang rất phấn khởi vì giá chôm chôm nghịch vụ đang được thương lái mua với mức giá khá cao.
Chôm chôm nghịch mùa giá cao, nông dân phấn khởi. |
(VLO) Thời điểm này, nhiều nông dân trồng chôm chôm tại Long Hồ đang rất phấn khởi vì giá chôm chôm nghịch vụ đang được thương lái mua với mức giá khá cao.
Được mùa, được giá
Toàn huyện Long Hồ có khoảng 1.700ha trồng chôm chôm. Để tăng giá trị loại cây ăn trái này, nhiều năm qua người dân 4 xã cù lao đã áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ. Bình quân mỗi năm người dân trong huyện xử lý từ 200- 300ha chôm chôm nghịch vụ.
Năm nay, chôm chôm nghịch vụ cho năng suất khá, giá bán cũng ở mức cao. Hiện chôm chôm Java có giá từ 20.000- 25.000 đ/kg, chôm chôm đường 28.000- 30.000 đ/kg, chôm chôm Thái 40.000- 45.000 đ/kg. Nhiều nhà vườn rất phấn khởi.
Theo một số nhà vườn, chôm chôm xử lý nghịch vụ đòi hỏi kỹ thuật và công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại giá bán cao hơn chôm chôm mùa thuận. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi công chôm chôm người trồng có lãi hàng chục triệu đồng.
Trồng chôm chôm hơn 15 năm, chú Nguyễn Thanh Huyện (xã Bình Hòa Phước), cho biết: “Tôi có 2,5 công trồng chôm chôm, đây là mức giá chôm chôm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tôi rất mừng vì vụ này trúng giá, được mùa. Với năng suất 2 tấn/công, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 20 triệu đồng/công”.
Cũng có kinh nghiệm trồng chôm chôm hơn 10 năm, đang thu hoạch chôm chôm, anh Phạm Thanh Sang, vui mừng nói: “Tôi có 17 công trồng chôm chôm, trong đó, có 10 công trồng chôm chôm Thái. Tôi rất mừng vì chôm chôm có giá. Với giá bán trên 40.000 đ/kg, sau khi trừ đi chi phí, tôi cũng có lợi nhuận khá”.
Theo anh Sang, nhờ các tuyến đê bao khép kín, không bị ảnh hưởng hạn mặn, bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất với kinh nghiệm nhiều năm, cộng với thời tiết thuận lợi cho chôm chôm vụ nghịch. Hiện giá chôm chôm khá cao nên bà con nơi đây ai nấy đều rất mừng.
Anh Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho biết: Hợp tác xã có 42ha với hơn 60 thành viên. Hiện nay, nông dân chú trọng sản xuất theo quy trình sạch, an toàn.
Trung bình chôm chôm Thái 1- 1,5 tấn/công, chôm chôm Java 2- 3 tấn/công. So với năm trước, vụ nghịch này, giá cao hơn 10.000 đ/kg, bà con có lợi nhuận nhiều, rất mừng.
Theo anh Nhân, lý do chôm chôm năm nay được giá, do chôm chôm miền Đông ít hàng, trong khi chôm chôm ở Bến Tre bị ảnh hưởng của hạn mặn của những năm trước, nhà vườn giảm diện tích khiến sản lượng chôm chôm ít.
“Năm nay xuất khẩu ít, chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Mùa này chôm chôm trái đẹp, ngon, do đủ nước, đủ nắng, năng suất khá”- anh Nhân cho hay.
Chú trọng sản xuất theo hướng an toàn
Nông dân chú trọng sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn an toàn để đáp ứng yêu cầu thị trường. |
Thời gian qua, để hạn chế tình trạng cung vượt cầu, dội chợ, nhiều nhà vườn cũng đã nâng cao ý thức trong quy trình sản xuất, bởi nhà vườn cho rằng để trái cây xuất khẩu được và đưa được vào các siêu thị, kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
Do vậy, bên cạnh sự vận động của ngành chức năng, nhà vườn cũng đã chủ động sản xuất trái cây đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là sản xuất theo VietGAP.
Theo anh Nhân, sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, VietGAP, GlobalGAP, chôm chôm nghịch vụ cũng không lo bị giảm chất lượng, thậm chí còn có giá cao hơn chính vụ.
Những diện tích chôm chôm đã được chứng nhận GlobalGAP mang lại cho bà con hiệu quả rất cao, nhiều doanh nghiệp đến thu mua để xuất khẩu.
Chú Huyện cũng chia sẻ: “Nhờ có kinh nghiệm trồng nghịch vụ, thời tiết thuận lợi, nên chôm chôm đạt chất lượng lẫn sản lượng.
Bên cạnh đó, 3 năm nay, tôi đã sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, dưỡng trái, vừa giữ vững chất lượng sản phẩm, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng và vừa bảo vệ môi trường.
Tôi cũng mong muốn các nhà vườn khác cũng sẽ sản xuất theo hướng sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường vì người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng
nông sản”.
Ông Trần Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), cho biết: Thế mạnh của xã hiện nay là phát triển thủy sản và cây ăn trái.
Trong đó, chôm chôm được xem là cây trồng chủ lực của xã. Toàn xã có trên 600ha trồng cây ăn trái, trong đó chủ yếu là chôm chôm và nhãn. Hiện chôm chôm vụ nghịch đang ở mức cao, năng suất trung bình từ 1,5- 3 tấn/công.
Sau khi trừ chi phí lợi nhuận của nhà vườn còn khoảng 25- 30 triệu đồng/công. Thời gian qua, nông dân cũng đã có nhiều kinh nghiệm xử lý nghịch vụ đạt hiệu quả.
Địa phương cũng khuyến khích, vận động nông dân sản xuất theo hướng rải vụ, nghịch vụ để cung ứng đủ sản lượng và tránh thu hoạch rộ khiến cung vượt cầu, giá giảm. Đồng thời, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP, để đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin