Triển khai hiệu quả chuyển đổi số

01:09, 22/09/2022

Cùng với cả nước, Vĩnh Long đã và đang bước vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Trên nền tảng nâng cấp hạ tầng số nhằm sớm đưa tỉnh tiến tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Viettel Vĩnh Long hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt trong mua bán.
Viettel Vĩnh Long hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ không dùng tiền mặt trong mua bán.

(VLO) Cùng với cả nước, Vĩnh Long đã và đang bước vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS). Trên nền tảng nâng cấp hạ tầng số nhằm sớm đưa tỉnh tiến tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hạ tầng số không ngừng phát triển

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, CĐS là giải pháp nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh. Định hướng CĐS cần thực hiện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong đó, tập trung thúc đẩy thực hiện xây dựng chính quyền số để tạo đà và định hướng, dẫn dắt, quản lý, hỗ trợ kinh tế số và xã hội số phát triển.

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, với nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động CĐS của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tỉnh đã ban hành các kế hoạch về CĐS, kiện toàn BCĐ, ban hành quy chế hoạt động của BCĐ nhằm đẩy mạnh hơn nữa lộ trình CĐS.

Đến nay, hệ thống mạng thông tin diện rộng từ tỉnh đến xã hoạt động ổn định thông suốt; tỷ lệ UBND cấp huyện, cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã có cổng, trang thông tin điện tử; các phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo, hệ thống họp không giấy… hoạt động hiệu quả đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Trong khi đó, ông Lữ Quang Ngời cho biết, kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, du lịch và dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao chỉ số phát triển con người, thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Hạ tầng xã hội số có bước phát triển mạnh mẽ.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.200 trạm thu phát sóng thông tin di động; 100% xã- phường- thị trấn có kết nối cáp quang, internet băng thông rộng; 100% dân số được phủ sóng di động 3G/4G băng thông rộng, tốc độ cao với tốc độ trung bình đạt 50 Mb/s; 70% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định (FTTH).

Đặc biệt, người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác CĐS

Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về phê duyệt “chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Nghị quyết về CĐS tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, quá trình CĐS của tỉnh còn một số hạn chế như: Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị về CĐS chưa cao; việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử chậm hoàn thiện; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham gia CĐS; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; nguồn nhân lực CĐS chưa đáp ứng yêu cầu; chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) thấp (xếp hạng 52 năm 2020),…

Trong thời gian tới, để CĐS đạt kết quả, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp, từ đó nâng cao hơn nữa công tác CĐS trên địa bàn.

Trong đó, tập trung đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng CĐS cho trước hết là lãnh đạo, quản lý, tiếp đến công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho UBND tỉnh về CĐS.

“Tỉnh sẽ huy động nguồn đầu tư của các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhằm phát triển hạ tầng viễn thông, internet hình thành hạ tầng số phục vụ tiến trình CĐS.

Đồng thời ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước hợp lý để phục vụ các nhiệm vụ, dự án CĐS do cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện, thông qua kế hoạch CĐS giai đoạn, hàng năm của tỉnh”- ông Lữ Quang Ngời cho biết.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác CĐS trong hoạt động cơ quan nhà nước, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Trong đó, tập trung triệt để việc sử dụng hiệu quả chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Ứng dụng CĐS trong lĩnh vực ưu tiên nông nghiệp, thương mại, giáo dục, y tế…

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, thời gian tới, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, cũng như người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh