Với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long có nhiều lợi thế để phát triển đồng bộ giao thông kết nối khu vực ĐBSCL. Đồng thời cũng có nhiều lợi thế để quy hoạch tổng thể, đồng bộ chuỗi logistics kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác…
Vĩnh Long có nhiều lợi thế để phát triển giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Ảnh minh họa |
Với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long có nhiều lợi thế để phát triển đồng bộ giao thông kết nối khu vực ĐBSCL. Đồng thời cũng có nhiều lợi thế để quy hoạch tổng thể, đồng bộ chuỗi logistics kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác…
Nhiều lợi thế phát triển
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, có vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa 2 con sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và được nối bởi sông Măng Thít. Hệ thống giao thông khá thuận lợi cả đường bộ, đường thủy. Cụ thể, tỉnh có 5 tuyến quốc lộ đi qua là QL1, 53, 54, 57, 80 và đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ dự kiến đưa vào sử dụng giữa năm 2023.
Vĩnh Long còn có 2 cảng chính là Cảng Vĩnh Thái nằm ở luồng bên trái luồng sông Cổ Chiên, trọng tải tàu 3.000 tấn và Cảng Bình Minh nằm luồng bên phải luồng Định An- Cần Thơ trên sông Hậu, trọng tải tàu 4.000 tấn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư do tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Từ Vĩnh Long, có thể kết nối nhanh chóng, thuận tiện với các tỉnh trong vùng qua hệ thống giao thông thủy lẫn bộ.
Ngoài cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã đưa vào hoạt động (rút ngắn thời gian đi lại từ Vĩnh Long- TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 2 giờ), cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ (đi ngang qua tỉnh Vĩnh Long) đang khẩn trương thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. “Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, nhằm tăng cường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời chia sẻ.
Phát triển đồng bộ logistics
Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, phát triển hệ thống logistics là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư. Tiềm năng và khả năng thu hút đầu tư giao thông, nhất là hệ thống logistics của tỉnh trong thời gian tới là tương đối lớn. Tuy nhiên, hệ thống logistics của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, hệ thống cảng quy mô nhỏ lẻ, năng lực thấp, chưa phát huy được lợi thế giao thông thủy nội địa. Mặt khác, thiếu sự đồng bộ kết nối giữa các phương thức vận tải nội vùng, giữa vùng với thị trường xuất khẩu, thiếu trung tâm logistics, chuỗi cung ứng lạnh đã làm gián đoạn chuỗi giá trị nông sản của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, thời gian tới, để phát triển chuỗi logistics, trước mắt, cần phát triển hệ thống giao thông, trong đó giải quyết các điểm “nút thắt cổ chai” như cầu yếu, đường hẹp, điểm thường xuyên ùn tắc (do khu công nghiệp, chợ, trường học,…), các điểm ùn tắc tạm thời (do tai nạn, đường đang xây dựng, ngập,…).
Trong khi đó, về lâu dài, cần có một quy hoạch tổng thể và đồng bộ trong việc phát triển chuỗi logistics nội vùng và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, có một số việc cần làm trong thời gian tới, thứ nhất là quy hoạch phát triển luồng vận tải đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh dựa trên cơ sở hệ thống đường tỉnh và một số tuyến đường huyện, với chức năng phân phối hàng hóa, thu gom hàng hóa từ người dân đến các chợ đầu mối, bãi tập kết nông sản; phát triển luồng hàng hóa liên tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc, đường thủy nội địa, tương lai là các tuyến đường sắt nhằm kết nối các tỉnh- thành trong khu vực và cả nước. Đồng thời, phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải sông Tiền, sông Hậu cho các tàu có tải trọng lớn thuận tiện vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển xuất khẩu nông, thủy sản.
Bên cạnh đó, sẽ định hướng phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải và logistics như nâng cấp các bến tàu, bến xe, định hướng phát triển hàng hóa vận tải container, tạo điều kiện đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container; định hướng phát triển vận tải đa phương thức…
“Cần quan tâm hơn nữa phát triển nguồn nhân lực trong ngành vận tải, đào tạo nhân lực ngành vận tải có chuyên môn, gồm các nhà vận tải, các dịch vụ logistics. Đồng thời, cũng quan tâm đào tạo lực lượng nhân sự ngành vận tải có kiến thức, am hiểu về đặc tính các sản phẩm nông sản, để tăng cường hiệu quả vận chuyển nông sản, đảm bảo chất lượng nông sản khi đến tay người tiêu dùng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu,… Nghiên cứu, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ như dịch vụ giao nhận hàng hóa JIT (đúng giờ), quản lý lưu kho, khai thác liên bến, các dịch vụ giá trị gia tăng khác (gắn nhãn, chế biến, sửa chữa và các dịch vụ liên quan đến khách hàng,…), đảm bảo kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc an toàn, bảo mật, kịp thời, thông suốt trong công tác điều hành quản lý hệ thống logistics”- Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể, sẽ ưu tiên bố trí 7.187 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh gồm: dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long); dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Long Hồ- Ba Si (tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh), dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ. Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, QL54 đoạn đi qua tỉnh Vĩnh Long dài 49km, quy mô quy hoạch 2- 4 làn xe (hiện trạng 2 làn xe). Việc đầu tư tuyến quốc lộ này sẽ đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả tuyến đường, góp phần giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa và hành khách, đảm bảo an ninh quốc phòng cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã chấp thuận 7 danh mục sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và các công trình khác với kinh phí hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, đoạn trong tỉnh Vĩnh Long từ Km31+458 đến Km82+662 bố trí khoảng 30 tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn giao thông. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin