Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững vừa góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Tại Vĩnh Long, cuộc vận động đã triển khai đến tận các khu dân cư; tạo sự lan tỏa, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tỉnh đẩy mạnh thực hiện. |
(VLO) Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững vừa góp phần xây dựng và hình thành nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Tại Vĩnh Long, cuộc vận động đã triển khai đến tận các khu dân cư; tạo sự lan tỏa, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Thành Thế- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống MTTQ, ngành công thương, tài chính… có nhiều nỗ lực, tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động.
Từ đó, mỗi cán bộ công chức và người dân, mỗi doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa to lớn của cuộc vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác tham gia; xem việc dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh lành mạnh của sản phẩm.
Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, doanh nghiệp hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. |
Qua công tác tuyên truyền giáo dục, các tầng lớp nhân dân ngày càng có ý thức và hiểu biết hơn về các loại hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao, tạo được uy tín trên thị trường.
Song song đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn điện tử và công tác xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được các ngành quan tâm thực hiện, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng hàng Việt.
Đặc biệt, qua tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã làm phong phú và sôi động thị trường hàng hóa trong nước, tạo điều kiện cho người dân ở các vùng nông thôn có cơ hội tiếp xúc và nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo bà Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (Phường 1- TP Vĩnh Long), hiện nay tỷ lệ hàng Việt Nam tại doanh nghiệp chiếm khoảng 80%. “Sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp là các sản phẩm kẹo. Doanh nghiệp luôn cố gắng giới thiệu với người tiêu dùng về sản phẩm Việt Nam, ưu tiên trưng bày sản phẩm nội địa ở khu vực dễ nhìn, dễ lấy”- chị Lê Trúc My chia sẻ.
Chung tay tiếp sức
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tỉnh vẫn còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình trạng gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Hồ Hồ Văn Ngoan, thị trường vẫn còn nhiều mặt hàng giá rẻ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nên tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng, hàng nhái giá rẻ tồn tại.
Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. |
Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường thì công tác bảo trì, bảo hành các mặt hàng Việt như hàng công nghệ, máy móc, hàng điện tử chưa được tổ chức chặt chẽ bằng các sản phẩm của hàng nước ngoài… từ đó hạn chế việc cạnh tranh của hàng Việt với hàng nước ngoài. Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng còn nghi ngờ một số sản phẩm hàng Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Nguyễn Thành Thế nhấn mạnh, thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức về ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; kết hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh giám sát, phát hiện những hành vi gian lận làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Tại buổi kiểm tra thực hiện cuộc vận động tại Vĩnh Long, ông Hồ Xuân Trường- Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Thành viên BCĐ Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, liên tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân trong thực hiện cuộc vận động.
Trong quá trình triển khai, tỉnh quan tâm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành là thành viên trong BCĐ, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện cuộc vận động, nhất là trong kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả...
Song song đó, quan tâm hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn trong sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng, giá thành phù hợp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, tạo cơ hội để doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng, từng bước nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo BCĐ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh có hơn 89% người dân mua sắm hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất và có khoảng 85% cơ quan, đơn vị mua sắm trang thiết bị, tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước sử dụng hàng do Việt Nam sản xuất. |
Bài, ảnh: TUYẾT NGA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin