Hành trình mới cho sản phẩm vươn xa

02:09, 01/09/2022

Việc công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) đã góp phần nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh và từng bước tạo ra được những thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của tỉnh. Một hành trình mới để đóng góp vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.

 

 

Xây dựng và công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp.
Xây dựng và công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp.

Việc công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) đã góp phần nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh và từng bước tạo ra được những thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của tỉnh. Một hành trình mới để đóng góp vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.

10 năm một chặng đường

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), từ năm 2012- 2021, cấp huyện thực hiện tổng cộng 17 kỳ tổ chức bình chọn, thu hút được 182 cơ sở công nghiệp nông thôn tham dự với 210 sản phẩm đăng ký, kết quả có 170 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNTTB cấp huyện. Trong khi đó, ở cấp tỉnh đã tổ chức được 6 kỳ bình chọn, với 100 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia, tổng số sản phẩm đăng ký là 149.

Theo Ths. Lư Thị Hồng Ly- Phó Giám đốc trung tâm, qua kết quả thực hiện, các đề án triển khai tốt và cũng là giải pháp giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Có những đề án mang tính đại diện và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường. Đặc biệt, mức doanh thu sau khi được kinh phí khuyến công hỗ trợ tăng trung bình khoảng 30% so với doanh thu trước đó.

Ngoài ra, cũng theo bà Ly, hoạt động khuyến công nói chung, công tác bình chọn sản phẩm nói riêng đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Một số sản phẩm mới hình thành và phát triển như: sản phẩm từ trái bưởi (vỏ bưởi sấy, mứt, trà và tinh dầu); khoai lang tím Bình Tân (sấy, bột, rượu, bánh quy); chôm chôm (mứt, rượu),…

Các cơ sở sản xuất trong tỉnh không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Các cơ sở sản xuất trong tỉnh không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại. Ảnh: TRẦN PHƯỚC

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương- Trương Thanh Sử, các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNTTB không chỉ là sản phẩm có chất lượng, tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường mà còn đáp ứng một số tiêu chí cơ bản về doanh thu, kinh tế, kỹ thuật, xã hội, tính văn hóa và thẩm mỹ. Bên cạnh, sử dụng nguồn nguyên liệu, giải quyết việc làm cho người lao động và thỏa mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, hướng đến các sản phẩm chủ lực, tiềm năng và mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển công nghiệp nông thôn. Các cơ sở công nghiệp nông thôn được đầu tư hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, đào tạo lao động và đặc biệt là thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trong tình hình mới.

Sản phẩm CNNTTB vươn xa

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt, các sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Vĩnh Long ngày càng được cải tiến nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến nay, đã có 118 sản phẩm CNNTTB, 73 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường được biết đến như: gạo Phước Thành IV, bún Ba Khánh, cơm sấy chà bông Nhật Quỳnh, trái cây sấy Đông Phát Food, nước mắm Gia Hỷ, kẹo đậu phộng My Tỷ Mai…

Theo bà Châu Tú Anh- Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Mekong, để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường cũng như góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nước tinh khiết đóng lon với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng. “Sản phẩm nước tinh khiết đóng lon của công ty đã được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Sản phẩm góp phần nâng cao mức tái chế bởi tỷ lệ tái chế kim loại đạt gần 100%. Đây là điều kiện để sản phẩm có thể tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ, cũng như cam kết thực hiện những tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường”- bà Tú Anh chia sẻ.

Vĩnh Long tiếp tục phát triển và xây dựng nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Vĩnh Long tiếp tục phát triển và xây dựng nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Trong khi đó, sản phẩm bún của Cơ sở Sản xuất Ba Khánh là sản phẩm lần đầu tiên được công nhận là sản phẩm CNNTTB năm 2013 và cũng là cơ sở có sản phẩm đầu tiên được công nhận là sản phẩm OCOP vào năm 2020.

Bà Lưu Kim Phụng- chủ Cơ sở Sản xuất Ba Khánh cho biết, làm ra sản phẩm chất lượng phải đi từ cái tâm và sản phẩm đó đã được công nhận bởi các tiêu chuẩn, đánh giá, chứng nhận của các tổ chức, đặc biệt là sự đón nhận của người tiêu dùng. Theo bà Phụng, khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB, OCOP thì cũng là lúc sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ và vươn rất xa đối với một sản phẩm tươi như bún.

“Sức tiêu thụ đã tăng 10- 20%, thị trường đã mở ra đến tận các tỉnh miền Trung, sản phẩm Ba Khánh cũng xuất hiện ở hầu hết ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… để đa dạng hóa kênh tiếp cận đến với người tiêu dùng”- bà Phụng chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Liệt cho biết: “Với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, ổn định đầu ra, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng chương trình kế hoạch hàng năm để xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, trong đó có TP Hồ Chí Minh”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương- Trương Thanh Sử: “Các cơ sở, doanh nghiệp cũng đã ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, khó khăn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có khả năng cạnh tranh, kết hợp đầu tư mở rộng sản xuất với đổi mới công nghệ để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trên sản phẩm tạo động lực phát triển, tăng quy mô sản xuất góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp để phát triển bền vững”.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh