Hoàn thiện thể chế và hành động thiết thực

03:07, 27/07/2022

Tại Diễn đàn "Phát triển bền vững đô thị (ĐT) Việt Nam" mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tạo lập nhiều không gian đô thị mới.
Diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tạo lập nhiều không gian đô thị mới.

(VLO) Tại Diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị (ĐT) Việt Nam” mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết 06 ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch (QH), xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoàn thiện thể chế

Theo Bộ Xây dựng, sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những kết quả có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tiến trình ĐT hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành công.

Hệ thống ĐT phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô, ước tính mỗi năm khu vực ĐT có thêm từ 1- 1,3 triệu dân. Hạ tầng kỹ thuật ĐT được quan tâm đầu tư nâng cấp.

mạo ĐT ngày hiện đại, tạo lập nhiều không gian ĐT mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc. Nhìn chung, ĐT đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, ĐT Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Chất lượng ĐT hóa chưa cao, phát triển ĐT theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế; kết cấu, chất lượng hạ tầng ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực ĐT; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.

Ô nhiễm môi trường tại các ĐT lớn có xu hướng gia tăng và phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nguyên nhân căn cơ nhất xuất phát từ tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển ĐT đến nay không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, đòi hỏi cần được cấp bách nghiên cứu, đổi mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 06 chỉ ra yêu cầu hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình ĐT hóa, phát triển ĐT. Trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình ĐT hóa.

Trọng tâm là xây dựng Luật QH ĐT và nông thôn, Luật Quản lý phát triển ĐT, tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý phát triển ĐT. Bên cạnh, xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về ĐT hóa và phát triển ĐT theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, phát triển ĐT bền vững…

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cấu hạ tầng liên vùng, công tác QH sử dụng đất theo các không gian kinh tế. Hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để bảo đảm nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết và chỉnh trang ĐT.

Hành động thiết thực

Quán triệt Nghị quyết 06, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, Đảng bộ thành phố xác định các nhiệm vụ giải pháp phát triển TP Cần Thơ trở thành ĐT xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Thành phố kiến nghị Trung ương cần có cơ chế phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất liên ngành, liên vùng về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tích hợp đầy đủ, hợp lý nội dung bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, ứng phó BĐKH trong QH các địa phương, phù hợp với QH chung của vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Nghị quyết 06 đã nhấn mạnh vai trò của ĐT và những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cần được thực hiện. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, Bộ trưởng đề xuất nâng cao nhận thức về ĐT, vai trò và đặc thù của ĐT.

Bên cạnh, chủ động rà soát chỉ tiêu trung bình của nghị quyết, đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển ĐT tại địa phương, đánh giá mức độ khả thi và đề xuất nhóm chỉ tiêu sát với tình hình thực hiện của địa phương cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở các chỉ tiêu đề xuất khả thi, các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 06.

Cùng với đó, đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện, cố gắng lồng ghép các chính sách, cơ chế, nguồn lực riêng ở từng địa phương với các chính sách, cơ chế liên vùng, chính sách quốc gia và nguồn lực từ ngân sách.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tổng hợp và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết.

Trong đó, ưu tiên các chương trình: đầu tư, thực hiện kế hoạch hình thành các ĐT mới trong giai đoạn 2025- 2030; đầu tư khắc phục các tiêu chuẩn phân loại ĐT còn thiếu (đối với ĐT loại III trở lên); đầu tư, phát triển các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng; đầu tư khắc phục các vấn đề năng lực ứng phó với BĐKH, ngập lụt, sạt lở; tái thiết ĐT; hoàn thiện, phủ kín QH ĐT, lập chương trình phát triển ĐT…

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh