Nhà nông tìm hiểu

Phòng trị sâu vẽ bùa trên rau màu

Cập nhật, 13:59, Thứ Ba, 26/07/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi trồng rau cải, nhưng vụ rồi bị sâu vẽ bùa tấn công và gây hại khiến năng suất và chất lượng trái sụt giảm khi thu hoạch. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị sâu vẽ bùa hiệu quả.

Trương Văn Duy (Xã Phước Hậu- Long Hồ)

Anh Duy mến!

Sâu vẽ bùa còn gọi là dòi đục lá hay ruồi đục lá. Trưởng thành là một loài ruồi nhỏ có chấm màu vàng trên lưng gần phần đầu. Kích thước sâu rất nhỏ từ 2- 3mm. Ruồi cái thường đẻ trứng trên mặt lá. Trứng nở thành dòi non (ấu trùng) đục khoét ăn lớp diệp lục ở giữa hai mặt lá.

Quá trình này tạo thành những đường hầm ngoằn ngoèo (vẽ bùa). Khi đẫy sức, dòi chui ra ngoài làm nhộng. Nhộng thường nằm trên bề mặt lá rồi rơi xuống đất sau đó hóa thành ruồi trưởng thành tiếp tục đẻ trứng hoàn thành vòng đời của mình.

Vòng đời của ruồi thường rất ngắn, thông thường khoảng 2 tuần, nên mức độ gây hại trở thành rất lớn, lứa nọ gối lứa kia chồng chất lên nhau. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm, tập trung mạnh vào tháng 7, 8, 9 do thời điểm này cây ra đọt non nhiều, nguồn thức ăn dồi dào.

Để phòng trị, cần thường xuyên theo dõi quan sát thăm vườn bảo vệ các đợt đọt non, phát hiện sâu bệnh kịp thời để có hướng giải quyết. Trường hợp cây bị sâu gây hại nặng, tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các cành lá, chồi non đem đi tiêu hủy. Cần phun phòng cho cây trước mỗi đợt ra tược non bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học phù hợp.

Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho tược non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, phân bón lá, phân trung vi lượng để giúp nâng cao sức đề kháng của cây trồng, cây trồng phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng các loại ong ký sinh để loại bỏ sâu vẽ bùa một cách tự nhiên.

BẠN NHÀ NÔNG