Chú trọng đơn đặt hàng đào tạo lao động

03:07, 21/07/2022

Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Vĩnh Long có 6/10 nội dung đánh giá giảm điểm và giảm hạng so với năm 2020. Trong đó, nội dung đào tạo lao động (LĐ) chỉ đạt 4,60 điểm, đứng hạng 60 cả nước và xếp cuối ở khu vực ĐBSCL. 

 

Hiện doanh nghiệp vẫn sẽ đào tạo lại để người lao động đáp ứng nhu cầu làm việc.  Ảnh minh họa
Hiện doanh nghiệp vẫn sẽ đào tạo lại để người lao động đáp ứng nhu cầu làm việc. Ảnh minh họa

Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, Vĩnh Long có 6/10 nội dung đánh giá giảm điểm và giảm hạng so với năm 2020. Trong đó, nội dung đào tạo lao động (LĐ) chỉ đạt 4,60 điểm, đứng hạng 60 cả nước và xếp cuối ở khu vực ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới, cần chú trọng đào tạo LĐ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất bền vững của các doanh nghiệp (DN), góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Đào tạo LĐ xuống hạng sâu

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm số PCI năm 2021 của tỉnh Vĩnh Long là 65,43 điểm, đứng thứ 23 của cả nước, giảm 17 bậc so với năm 2020. Ở ĐBSCL, Vĩnh Long giảm 3 bậc và xếp hạng 6 sau các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, An Giang và Bến Tre. Trong 6/10 nội dung đánh giá giảm điểm và giảm hạng, đáng chú ý ở nội dung đào tạo LĐ giảm rất sâu, giảm 34 bậc (từ hạng 26 xuống hạng 60).

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nội dung đào tạo LĐ của tỉnh được xếp hạng 60/63 tỉnh- thành. Theo đánh giá về giáo dục dạy nghề của tỉnh thì hiện nay chất lượng tốt có cải thiện nhẹ, từ 54,5% lên 55%. Tuy nhiên đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông tại tỉnh lại sụt giảm từ 67% xuống 60%.

“Có 45,5% LĐ tại DN đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (đứng 53/63 tỉnh- thành). Có 15,7% LĐ từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại địa phương đã qua đào tạo (đứng 46/63 tỉnh- thành). Đặc biệt là chi phí tuyển dụng LĐ và chi phí đào tạo LĐ trong tổng chi phí kinh doanh đã tăng so với năm 2020. Đây là những chỉ tiêu cần cải thiện trong thời gian tới”- ông Nguyễn Khắc Nhu phân tích.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, suy giảm số điểm, thứ bậc của nội dung đào tạo LĐ là do trong năm 2021 việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp liên quan đến hỗ trợ DN và góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh gặp khó khăn, hạn chế như: Tỉnh phải thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội, các DN phải tạm ngưng hoạt động, việc triển khai các hoạt động liên quan đến hỗ trợ DN bị ảnh hưởng, kết quả mang lại còn chưa cao, các DN vẫn còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, sử dụng LĐ; hoạt động tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người LĐ gặp nhiều trở ngại, có lúc không triển khai được, đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm số điểm, thứ bậc của nội dung trên.

Theo một DN đang hoạt động sản xuất trong Khu công nghiệp Hòa Phú, hiện nay, việc thiếu LĐ ở một số DN là có và DN buộc phải tuyển dụng LĐ thường xuyên. Trong khi đó, việc “đặt hàng” LĐ ở các trung tâm đào tạo nghề hoặc giới thiệu việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. “Đa số DN phải tự tuyển dụng. Tuy nhiên, lực lượng LĐ tại địa phương vẫn còn thiếu và yếu về nghề, hầu hết DN phải đào tạo lại nghề cho người LĐ mặc dù trước đó đã được học nghề tại các trung tâm đào tạo”- đại diện DN này cho hay.

Cần đáp ứng nhu cầu LĐ

Một trong những khó khăn của DN hiện nay, nhất là DN ngành dệt may mấy năm gần đây là tình trạng thiếu LĐ. Theo bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- nhân sự (Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam), hiện tại tuy chưa bước vào tháng cao điểm nhưng đơn vị vẫn thiếu thường xuyên 300 LĐ. “Do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 của năm 2021 nên những tháng cao điểm đơn hàng của năm nay sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới. Dự báo tới lúc đó công ty sẽ thiếu khoảng 700 LĐ. Đây là số LĐ rất khó tuyển dụng ở thời điểm hiện tại”- bà Hằng cho biết.

Cũng theo bà Lê Thị Hằng, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các DN, đặc biệt là ngành dệt may rất lớn với chế độ đãi ngộ cao. Tuy nhiên, vẫn thiếu LĐ và tình trạng LĐ “nhảy việc” còn rất nhiều. “Hy vọng trong thời gian tới DN sẽ có điều kiện đặt hàng “đủ” LĐ theo nhu cầu và chất lượng nghề của người LĐ sẽ được tăng lên, DN cũng đỡ vất vả tuyển dụng và đào tạo lại, làm giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo”- bà Lê Thị Hằng chia sẻ.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, để nâng cao PCI trong thời gian tới, đặc biệt là nội dung đào tạo LĐ, ngành LĐ sẽ triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Tăng cường tổ chức kết nối, phối hợp giữa các trường, trung tâm, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị dịch vụ việc làm, đơn vị dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, các DN, làng nghề, hợp tác xã... để thực hiện đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người LĐ. Đặc biệt là tăng cường huy động sự tham gia của DN vào các khâu của quá trình giáo dục nghề nghiệp như tuyển sinh, thực hiện chương trình đào tạo- hình thành kỹ năng tay nghề, kiểm tra đánh giá đầu ra, giải quyết việc làm cho sinh viên học sinh sau tốt nghiệp… Đồng thời thực hiện các giải pháp gắn kết lợi ích giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các DN nhằm cải thiện tình hình ở nội dung đào tạo LĐ của tỉnh”- một lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chia sẻ.

Ở nội dung đào tạo LĐ, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu các trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tăng cường phối hợp với DN tuyển sinh đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho LĐ sau đào tạo; đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN; phát huy các sàn giao dịch việc làm để phát triển thị trường LĐ…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh