Với nhiều người, bước chân vào con đường khởi nghiệp (KN) chưa bao giờ là dễ dàng, sẽ có rất nhiều rủi ro và thử thách khác nhau phải đối mặt, nhất là với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường. Vậy, phải làm gì để vượt qua những khó khăn, thách thức khi đi vào hành trình KN?
Với nhiều người, bước chân vào con đường khởi nghiệp (KN) chưa bao giờ là dễ dàng, sẽ có rất nhiều rủi ro và thử thách khác nhau phải đối mặt, nhất là với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm thương trường. Vậy, phải làm gì để vượt qua những khó khăn, thách thức khi đi vào hành trình KN?
Với nhiều bạn trẻ, khởi nghiệp là dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận thất bại để đi đến thành công. |
Lắm khó khăn, nhiều thách thức
Nhiều bạn trẻ bắt đầu con đường KN chia sẻ rằng không phải chỉ cần có niềm tin và đam mê là có thể thành công KN, mà theo đó là vô vàn những khó khăn, áp lực đi kèm. Do đó, trước khi tham gia vào KN, cần phải định hướng rõ ràng và xác định được những khó khăn sẽ gặp phải để có thể từng bước tháo gỡ.
Theo các chuyên gia, khi mới bắt đầu KN, người trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế như: Thiếu nền tảng kiến thức tổng quát, chẳng hạn như nhiều người giỏi chuyên môn nhưng lại không có kiến thức về kinh doanh quản trị, thiếu kiến thức về phát triển và hoàn thiện sản phẩm; thiếu vốn kinh doanh để phát triển doanh nghiệp, sản phẩm, đổi mới công nghệ; thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến kinh doanh, tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; thiếu những trải nghiệm để xử lý các công việc dẫn đến những sai lầm, thất bại... Cùng với đó là những khó khăn từ sự cạnh tranh gay gắt đến từ các doanh nghiệp nước ngoài hoặc những thử thách bất ngờ như dịch bệnh COVID-19.
Anh Nguyễn Hoàng Khang- người sáng lập Foodo- chuyên về sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới (Vũng Liêm), chia sẻ: “Bản thân tôi còn hạn chế kiến thức và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, quản trị con người, quản trị thương hiệu, quản trị khủng hoảng, quản trị chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, vốn tự có không nhiều nên phải kêu gọi vốn từ người thân trong gia đình”.
Song song đó, theo anh Khang, còn gặp phải những thách thức khác như: Đối thủ cạnh tranh đã có thương hiệu, xây dựng nhận thức với người tiêu dùng, có hệ thống phân phối, đã tối ưu hóa chuỗi cung ứng, có nguồn nhân lực chất lượng cao; các loại sản phẩm thay thế trên thị trường ngày một nhiều. Không chỉ vậy, người tiêu dùng có xu hướng ít trung thành với các thương hiệu đòi hỏi các thương hiệu phải tìm cách để lấy sự chú ý của người tiêu dùng nhiều hơn,…
Trên thực tế, có nhiều dự án KN chỉ biết chú trọng làm ra sản phẩm mà không biết cách quảng bá, giới thiệu đến tay người tiêu dùng như thế nào cho hiệu quả. Theo anh Lê Thành Nghiệm- chủ Cơ sở sản xuất tinh dầu Thiên Hoa Xuân (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), làm ra sản phẩm đã khó, tiêu thụ được sản phẩm lại càng là vấn đề trăn trở hơn nữa, để có thể bán được hàng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, là một thách thức thực sự đối với người KN. Chính điều này đã khiến cho khả năng thành công của sản phẩm khi đưa ra thị trường không được cao.
Đó là chưa kể, khi đưa sản phẩm ra thị trường, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng hoàn toàn đón nhận, sẽ có lúc bị chỉ trích, nhận được những phản hồi không tốt. Ngoài ra, những khó khăn khác như thiếu hụt tài chính, công việc căng thẳng rất dễ khiến những người mới lập nghiệp nản chí, muốn buông xuôi.
Tận dụng lợi thế, phát huy khả năng
Theo các chuyên gia, các bạn trẻ KN hãy lấy thế mạnh này làm điểm xuất phát. Và muốn thành công khi KN, muốn xây dựng thương hiệu, cần tìm được điểm khác biệt; phải không ngừng học hỏi, lựa chọn được mô hình phù hợp, sáng tạo.
Không mạnh về tài chính và cũng không có nhân sự, thời gian đầu, chị Phạm Thị Phượng- Chủ hộ sản xuất và kinh doanh các mặt hàng từ bưởi (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) phải đảm nhiệm mọi việc từ tìm kiếm nhà cung cấp, sản phẩm, kênh phân phối, kênh thông tin online, lên chương trình bán hàng, kiểm kho, trực tiếp tư vấn, bán hàng và thậm chí đi giao hàng.
Theo chị Phượng: Kinh doanh mà không làm tiếp thị là một sai lầm rất lớn, đặc biệt là với các cơ sở, doanh nghiệp KN mới tham gia thị trường. “Do đó, dù có ít vốn tôi vẫn làm tiếp thị để dịch vụ, sản phẩm tiếp cận được với người tiêu dùng, có thể tận dụng các kênh tiếp thị thông qua hội chợ, kết nối cung cầu, mạng xã hội, tiếp thị truyền miệng,…”- chị Phượng chia sẻ.
Với Nguyễn Hoàng Khang thì “thách thức nào cũng song hành với cơ hội, quan trọng là có biết tận dụng hay không. KN là vượt khó và muốn thành công cần sáng tạo, khác biệt, không ngừng học hỏi và bình tĩnh trước thách thức”. Vậy nên, phát huy từ những thuận lợi của bản thân, như: Có kiến thức về kỹ thuật canh tác, đặc biệt là về nông nghiệp hữu cơ; có kinh nghiệm trong việc marketing và sale; có mối quan hệ với các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, truyền thông, khoa học công nghệ,.. anh Khang đã từng bước vượt qua khó khăn và bước đầu đã mang lại hiệu quả cho việc phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới, từng bước được người tiêu dùng đón nhận.
Với Nguyễn Hoàng Khang (bìa trái) thì “thách thức nào cũng song hành với cơ hội”. |
Chia sẻ về cách vượt khó khi mới KN, anh Phạm Lê Đạt- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Eco Eco (xã Tân Phú- Tam Bình), cho hay: KN là dám đương đầu với khó khăn, dám chấp nhận thất bại, quen với sự thay đổi từ môi trường bên ngoài, phải hiểu được không nên KN theo phong trào, thấy người ta làm rồi mình cũng làm, KN nên là một sứ mệnh nào đó mà mình nguyện cống hiến. Do đó, phải kiên trì với đam mê, lựa chọn của mình, biết cách vượt qua thử thách và hơn hết là “thắng không kiêu, bại không nản”. Khi làm chưa thành công lần 1, lần 2 thì phải cẩn thận dò từng bước lại xem đã làm sai ở đâu, lỗi chỗ nào để kịp thời sửa. Đồng thời, khi đưa sản phẩm ra thị trường phải biết tiếp nhận phản hồi, từ từ rút kinh nghiệm. KN là một con đường dài, phải học hỏi liên tục và không ngừng. Có như vậy mới không bị đào thải và phát triển về sau”.
Nhiều bạn trẻ KN cho rằng, KN kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng những cuộc đối mặt với khó khăn ấy sẽ giúp người trẻ phát triển rất nhiều kỹ năng cần thiết để thành công trên con đường đã chọn.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin