Điều mà nhiều người dễ nhận thấy trong 2 năm qua là đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán điện tử trực tuyến. Và đến nay, đã trở thành thói quen của nhiều người.
Cần thắt chặt các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt. |
Điều mà nhiều người dễ nhận thấy trong 2 năm qua là đại dịch COVID-19 xuất hiện đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán điện tử trực tuyến. Và đến nay, đã trở thành thói quen của nhiều người.
Tiện lợi khi thanh toán không dùng tiền mặt
Sau khi chốt mua một ngôi nhà ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) với giá 2,5 tỷ đồng, chị Lê Kiều Duyên cùng bạn cũng là nhân viên tín dụng đến gặp chủ nhà để ký hợp đồng đặt cọc. Tiền đặt cọc 200 triệu đồng được thao tác chuyển qua app ngân hàng được cài đặt trên điện thoại. Vừa chuyển xong thì điện thoại chủ nhà đã có tin nhắn báo nhận được tiền. Việc đặt cọc được tiến hành nhanh chóng. Chị Duyên vui vẻ cho biết: “Nhờ thanh toán chuyển khoản nên không cần phải đi rút và giữ số tiền khá lớn bên mình”. Chị cũng cho biết thêm, đối với những giao dịch như mua hàng điện máy, mua trang phục tại các cửa hàng hay mua qua mạng chị cũng chuyển khoản. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì mua gạo, mua trái cây, thậm chí mua hàng ở tiệm tạp hóa, nếu người bán có nhận chuyển khoản thì chị cũng “chuyển luôn cho tiện, người bán và người mua thậm chí không cần gặp gỡ, chỉ trao đổi qua mạng thì hàng hóa được giao tận nhà, khi nào rảnh thì chuyển khoản trả sau”- chị Duyên nói.
Chính vì những tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt nên chị Quyên- nhân viên một shop thời trang hàng hiệu tại Phường 2 (TP Vĩnh Long) cho biết, thời gian gần đây, lượng khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tăng đáng kể so với thời gian trước dịch. Chị Quyên cho biết: “Nếu lúc trước hầu hết khách hàng trả tiền mặt thì hiện 10 người khách là có tới 3- 4 khách sử dụng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản. Đặc biệt, những khách hàng biết tới dịch vụ VNPay thì thanh toán qua dịch vụ đó nhiều vì hay có khuyến mãi”. Cũng theo chị Quyên, khách thích thanh toán không dùng tiền mặt vì
sự tiện lợi.
Cũng thường chọn thanh toán chuyển khoản hoặc mua hàng quẹt thẻ tín dụng vì “tiện lợi, nhanh chóng, hiện đại” nhưng anh Nguyễn Tuấn An ở xã Lộc Hòa (Long Hồ) cho rằng: “Đối với những thanh toán số tiền nhỏ thì việc thao tác nhiều trên app điện thoại cũng gây tốn nhiều thời gian, cần có giải pháp đơn giản hóa. Đồng thời, tôi cũng lo lắng vấn đề bảo mật, an toàn khi thanh toán qua app, qua mạng”.
Đảm bảo an ninh, an toàn
Trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt năm 2022 do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Báo Tuổi Trẻ tổ chức, hội thảo- triển lãm chủ đề “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” đã diễn ra tại Hà Nội hồi 17/6/2022.
Ông Lê Anh Dũng- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19 đã khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng. Để đáp ứng nhu cầu- xu hướng đó, ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục, và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia... Hoạt động thanh toán đã đạt một số kết quả nổi bật là tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới,
hải đảo.
Ông Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã xác định một số quan điểm lớn trong chuyển đổi số của ngành. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước luôn coi cải cách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là nhân tố quan trọng trong chuyển đổi số của ngành nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng, đảm bảo an ninh an toàn lợi ích cho người dân. Mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước đặt ra 50- 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…
Khách hàng quét mã QR để thanh toán tại một cửa hàng thời trang ở TP Vĩnh Long. |
Theo ông Lê Thế Vinh- đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, để thúc đẩy thanh toán số, năm 2021, bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông triển khai thí điểm mobile money. Năm 2022, mục tiêu là đưa toàn bộ hoạt động người dân lên môi trường số nên dự kiến có hơn 180.000 điểm giao dịch phổ cập đến hơn 100% xã- phường cả nước.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển của thanh toán cũng có những rủi ro, mất an toàn với số lượng phạm tội ngày càng tăng, phương thức phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính có tổ chức hơn và gây ra thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Ông Vinh đề nghị các ngân hàng cần khuyến nghị cho khách hàng và bổ sung các công nghệ mới để phát hiện các gian lận. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã liên tục phát hiện, đưa ra các khuyến cáo. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp không thể thành công nếu khách hàng không nâng cao nhận thức, vì thế, các ngân hàng cần giáo dục, nâng cao nhận thức đầy đủ về an toàn thông tin…
Bài, ảnh: NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin