Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

02:05, 12/05/2022

Ghi nhận những tháng đầu năm 2022, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó vừa đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

 

Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Ảnh minh họa
Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Ảnh minh họa

(VLO) Ghi nhận những tháng đầu năm 2022, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó vừa đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Quý I/2022, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, dịch COVID- 19 cơ bản được kiểm soát; các ngành sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và phát triển.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I tăng 9,67% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 29,82%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,63%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 15,78%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,08%.

Một số ngành công nghiệp có mức sản xuất trong quý I tăng khá như: sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 154,77%; sản xuất trang phục tăng 66,08%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 40,53%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 38,11%…

Trong quý I, tỉnh Vĩnh Long cũng phát triển được 96 doanh nghiệp mới với tổng số vốn đăng ký 1.213 tỷ đồng, tăng 57,38% về số doanh nghiệp và gấp 3,4 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Sau thời gian ngưng hoạt động, có 50 doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và quay trở lại hoạt động, giảm 8 doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tháng 4/2022, tiếp tục ghi nhận chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2,75% so với tháng 3/2022 và tăng 10,39% so vùng kỳ năm 2021.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong tháng 4 ước đạt 65,5 triệu USD, tăng 12,41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 241 triệu USD, tăng 27,61% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- nhân sự (Công ty TNHH May mặc Leader Việt Nam) cho biết, hiện tại doanh nghiệp có trên 2.600 lao động. Sau thời gian dịch bệnh phức tạp, hiện nay tình hình sản xuất, kinh doanh đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ.

“Dự báo tình hình sản xuất sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, thời gian tới, đơn vị cũng đang rất cần nguồn lao động để phục vụ sản xuất, kịp thời đáp ứng nhu cầu các đơn hàng”- bà Hằng chia sẻ.

Phát biểu tại buổi họp thường kỳ tháng 4/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Trung yêu cầu các sở, ban ngành trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo UBND tỉnh, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần kiến tạo, phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục về khởi sự kinh doanh.

Đồng thời cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt khoảng 50%.

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dần phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022. Ảnh minh họa
Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dần phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho doanh nghiệp; thực hiện chuyển đổi số để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long chia sẻ và góp ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Long những năm gần đây đều đứng thứ hạng cao so với các tỉnh, thành khác của cả nước.

Tuy nhiên, thực trạng thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời tập trung thúc đẩy đầu tư công nhằm kích thích các thành phần kinh tế tư nhân.

Cũng theo ông Nguyễn Tường Nam, ngoài đánh giá chỉ số PCI, Vĩnh Long cũng cần quan tâm đến các chỉ số khác, như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, sở, ngành (DDCI).

“Có như vậy mới đánh giá toàn diện về môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường đầu tư của tỉnh. Chỉ số DDCI hiện cũng đã được nhiều tỉnh, thành chọn đánh giá và cho hiệu quả thu hút đầu tư cao”- ông Nguyễn Tường Nam cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp thường kỳ tháng 4/2022, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh thời gian tới cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Song song đó là quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện thực chất, hiệu quả chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh