"Mổ xẻ" những yếu kém của kinh tế hợp tác

Kỳ 2: Đau đầu bài toán "bẻ kèo"

Cập nhật, 05:46, Thứ Tư, 11/05/2022 (GMT+7)

Theo ngành nông nghiệp, tham gia HTX chính là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp.
Theo ngành nông nghiệp, tham gia HTX chính là giải pháp đầu tiên trong các giải pháp để cơ cấu lại nền nông nghiệp.

(VLO) Tình trạng “bẻ kèo” vẫn liên tục diễn ra, trong khi những hạn chế về năng lực quản trị của HTX cũng là một trong những rào cản khiến chuỗi liên kết- tiêu thụ còn hạn chế.

Doanh nghiệp và nông dân cùng “bẻ kèo”

Có thể thấy, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân đang phát huy hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn lỏng lẻo; sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều.

Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau.

Theo một số doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ, thì trong chuỗi sản xuất, vai trò của các HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi duy trì mối liên kết với người dân.

Bên cạnh, việc doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích thỏa đáng của người sản xuất, nên người dân cũng không ít lần bội tín.

Trong khi đó, hợp đồng tiêu thụ còn nhiều điều khoản lỏng lẻo, không phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân và tính khả thi không cao. Nông dân thường bán lúa cho thương lái hoặc doanh nghiệp khác khi giá thị trường cao hơn giá hợp đồng đã ký hoặc xuất hiện các điều kiện khác hấp dẫn hơn.

Bên cạnh, tại một số HTX chỉ liên kết kinh tế hộ để thu mua nông sản đưa ra thị trường thông qua các doanh nghiệp, chứ hoàn toàn chưa phải là một quy trình chuỗi liên hoàn khép kín để nhằm gia tăng giá trị.

Hơn nữa, do không nắm bắt được thông tin thị trường, không ít nông dân thường lâm vào cảnh được mùa rớt giá, tình trạng nay trồng mai chặt vẫn còn xảy ra. Điều này không chỉ làm diện tích sản xuất trở nên manh mún hơn, mà còn làm ảnh hưởng đến quy hoạch vùng nguyên liệu.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũng Liêm- Nguyễn Văn Minh cho biết, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro do thiên tai, giá cả thị trường biến động, vật tư nông nghiệp tăng dẫn đến lợi nhuận của chủ thể sản xuất nông nghiệp giảm nên các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân và ngược lại.

Trong khi đó, hiện nay có tình trạng nông dân xé quy hoạch, thấy không có lời là bỏ ruộng lúa để trồng loại cây trồng khác.

Việc “xé rào” của người nông dân một mặt nào đó có ý nghĩa trong việc mạnh dạn chấp nhận và thay đổi để phù hợp với quy luật thị trường. Tuy nhiên, một số “xé quy hoạch” chỉ mang tính chất tạm thời, “chạy theo thị trường” không có chiến lược phát triển và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch chung của sự phát triển nông nghiệp.

Vấn đề này nói lên một điều, muốn phát triển lâu dài, bền vững, nhất thiết phải có quy hoạch dài lâu, quan trọng hơn hết là sự liên kết. Và muốn nông dân tham gia vào HTX thì HTX phải tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp.

Rào cản từ nội tại

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt trên cả thị trường trong nước và thế giới về chất lượng, giá thành cũng như thương hiệu sản phẩm, đòi hỏi các sản phẩm ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao chất lượng và giá trị, quy mô sản xuất hàng hóa phải được chuyên môn hóa cao và giá thành sản phẩm đảm bảo tính cạnh tranh.

Trong khi đó, trình độ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp còn hạn chế, nhiều người đã quá tuổi lao động vẫn giữ các chức vụ quan trọng trong Ban quản trị HTX, nhiều thành viên không có trình độ học vấn cao; vì thế việc tiếp cận thông tin thị trường, ứng dụng công nghệ 4.0, kỹ thuật số vào quản lý sản xuất kinh doanh của HTX gặp những khó khăn nhất định.

Thêm vào đó, vốn sản xuất kinh doanh hạn hẹp, khó huy động vốn vì đa số thành viên là hộ nông dân có điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời không có tài sản thế chấp để vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Giám đốc một HTX nông nghiệp tại Bình Tân chia sẻ, quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ lẻ, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên và việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn… là một trong nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Đó là chưa kể, việc tích tụ đất nông nghiệp hình thành cánh đồng lớn để sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân muốn được quyền sử dụng đất riêng, nên không muốn giao đất để tạo thành cánh đồng lớn.

Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn về nội tại.
Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn về nội tại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Bùi Tấn Đảm cho biết, nhận thức của nông dân về hợp tác, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa thấy rõ được lợi ích lâu dài của việc liên kết, tiêu thụ nông sản; sản xuất còn manh mún, phân tán chưa tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến để thực hiện hợp đồng bền vững.

Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp của một số HTX, tổ hợp tác, trang trại chưa cao, gặp khó trong công tác quản lý. Một số HTX chủ quan chưa chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu thị trường để lập phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao.

“Đồng thời, việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất tập trung, việc doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để xây dựng kho chứa, đầu tư khoa học- công nghệ nâng cao năng suất chế biến... còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về chính sách ưu đãi. Vì thế chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất”- ông Đảm cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chậm lại, nông nghiệp phát triển nhưng chưa bền vững; nông dân được quan tâm hỗ trợ nhưng chưa phát huy được vai trò chủ thể, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa mạnh dạn liên kết và tuân thủ các hợp đồng sản xuất. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn.

Trong khi đó, HTX nông nghiệp nhìn chung còn yếu, chưa thu hút được vốn nhàn rỗi trong người dân, chưa thật sự phát huy vai trò cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Chính sách và môi trường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Minh, chỉ có liên kết mới có sức mạnh cạnh tranh. Và liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

>>Kỳ cuối: Hướng đến nền nông nghiệp sản xuất lớn

Bài, ảnh: YẾN LY