Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, trước biến đổi của khí hậu và thị trường, khu vực này cần những thay đổi căn cơ để tạo thành vùng sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao đời sống người dân.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, trước biến đổi của khí hậu và thị trường, khu vực này cần những thay đổi căn cơ để tạo thành vùng sản xuất lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao đời sống người dân.
Tổ chức lại sản xuất được coi là khâu quan trọng để ĐBSCL phát huy lợi thế |
Đương đầu nhiều thách thức
Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2 (chiếm 12,2 % diện tích cả nước) với dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 19% dân số cả nước). Vùng có khoảng 150 đơn vị cấp huyện, hơn một nghìn đơn vị hành chính cấp xã, gần 10 triệu hộ nông dân. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Bộ NN&PTNT, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, tác động lớn.
Thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn. Với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía đông và tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động của biến đổi khí hậu.
Thứ hai, tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước (thủy điện; chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống...), việc suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam.
Thứ ba, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục; thiếu hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn. Cụ thể hơn, liên kết sản xuất "cánh đồng lớn" chỉ đạt 26,8% tổng diện tích canh tác lúa của vùng.
8 nhóm giải pháp phát triển ĐBSCL
Đứng trước những khó khăn trên, Bộ NN&PTNT nhìn nhận, để ĐBSCL có thể phát triển được trong giai đoạn tới cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để phát huy lợi thế của vùng đất này.
Thứ nhất, cần xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổng hợp danh mục các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu để đảm bảo an toàn trước các ảnh hưởng của bão, lũ, nước biển dâng, ngập mặn, đặc biệt tập trung vào vùng ven biển.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong kết nối nông dân với doanh nghiệp; hợp tác và liên kết vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ, du lịch ở nông thôn.
Cùng với đó, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Cân đối và có kế hoạch đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu cấp vùng và tiểu vùng, trong đó ưu tiên hiện đại hóa các công trình thủy lợi, nhất là hạ tầng logistics nông sản và hạ tầng vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn, đảm bảo năng suất, chất lượng. Tiếp tục huy động sử dụng vốn vay thực hiện theo quy định hiện hành. Thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với xây dựng các trung tâm logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, các khu công nghiệp chế biến nông sản, các cụm công nghiệp - dịch vụ tại các vùng lõi của vùng chuyên canh chủ lực.
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng bằng cách phối hợp xây dựng Chương trình đào tạo nông dân chuyên nghiệp, Chương trình chuyển đổi lao động nông nghiệp, Chương trình khuyến nông cộng đồng, Chương trình thu hút chuyên gia, trí thức trẻ về làm việc tại các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, quản lý nhà nước và dịch vụ công ngành nông nghiệp tại ĐBSCL.
Giải pháp thứ năm Bộ NN&PTNT đưa ra là xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng.
Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng; triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT với UBND 13 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL; thành lập Ban chỉ đạo phát triển nông nghiêp, nông thôn vùng ĐBSCL và Văn phòng điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu để hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh thích ứng với biến đối khí hậu vào sản xuất, chế biến nông sản chủ lực và xây dựng nông thôn mới bền vững của vùng ĐBSCL; khai thác tài nguyên thích ứng biến đổi khí hậu và giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Đỗ Hương/Báo điện tử Chính Phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin