Xăng dầu tăng giá lo giá tiêu dùng

06:02, 17/02/2022

Giá xăng dầu vừa được điều chỉnh theo chiều hướng tăng cao. Việc giá xăng dầu tăng- dù được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nhưng cũng dự báo tình trạng giá cả, các chi phí phát sinh cũng sẽ tăng theo.

 

Giá xăng dầu tăng cao dự báo sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng giá. Ảnh minh họa
Giá xăng dầu tăng cao dự báo sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng giá. Ảnh minh họa

(VLO) Giá xăng dầu vừa được điều chỉnh theo chiều hướng tăng cao. Việc giá xăng dầu tăng- dù được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nhưng cũng dự báo tình trạng giá cả, các chi phí phát sinh cũng sẽ tăng theo.

Giá xăng, dầu tăng mạnh

Giá mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh tăng gần 1.000 đ/lít từ 15h chiều 11/2 sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn mặt hàng xăng, dầu (BOG), giá bán các mặt hàng xăng E5 RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít, tăng 976 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON95-III, không cao hơn 25.322 đồng/lít, tăng 962 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.

Dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.865 đồng/lít, tăng 962 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít, tăng 958 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.659 đồng/kg, tăng 666 đồng/kg.

Theo Bộ Công thương, thị trường xăng dầu thế giới đang có nhiều biến động tăng giá, nguồn cung xăng dầu khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố bất ổn chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động làm giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao.

Lo ngại chi phí tăng cao

Xăng dầu tăng giá thì chắc chắn các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm- Trưởng Phòng Hành chính DNTT Phú Vĩnh Long, chỉ có một câu để diễn tả trong thời gian này là “chạy không nổi”.

Theo ông Lâm, giá xăng dầu chiếm khoảng 35- 40% chi phí vận hành. Tuy nhiên, hiện tại lượng hành khách chỉ đạt khoảng 40% công suất khai thác nhưng doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động, giá vé thì không thể “nói tăng là tăng”.

“Cùng với khó khăn do giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải hiện còn gặp khó trong các quy định như bắt buộc lắp đặt camera, chuyển đổi biển trắng sang biển vàng… cũng góp phần đẩy chi phí phát sinh tăng cao. Trong khi tình hình kinh doanh thì chưa thấy khả quan”- ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Trí (ở Phường 3- TP Vĩnh Long) chia sẻ, là hộ kinh doanh vận tải nhỏ lẻ nhưng rõ ràng, giá xăng dầu tăng đã gây ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Theo anh Trí, xăng dầu chiếm đến 40% chi phí, chưa tính đến bảo trì xe, tỷ lệ hao hụt phương tiện thì rõ ràng, người kinh doanh vận tải đang gặp nhiều khó khăn.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng do chi phí vận tải dự báo tăng mạnh (ảnh minh họa).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ ảnh hưởng do chi phí vận tải dự báo tăng mạnh (ảnh minh họa).

“Tăng giá vận tải theo xăng dầu thì được nhưng hệ quả sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng, chi phí sinh hoạt của người dân chắc chắn sẽ biến động theo hướng tăng”- anh Trí quan điểm.

Hành nghề xe ôm, anh Nguyễn Khánh (ở Phường 5- TP Vĩnh Long) “chợt giật mình” khi đổ đầy bình xăng giá 90.000 đồng, trong khi bình thường chỉ loanh quanh 80.000 đồng.

“Tính nhẩm thì chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/bình xăng nhưng mỗi cuốc xe hiện không thể tăng. Nghề xe ôm hiện nay đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn do ảnh hưởng của giá cả”- anh Khánh cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn có thể trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Đồng thời, khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, có thể dẫn đến giảm tổng cầu của nền kinh tế…

Kỳ điều hành lần này, trước diễn biến tăng giá liên tục của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu một cách hợp lý (giảm mức trích lập đối với mặt hàng xăng RON95 và duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5 RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100- 400 đ/lít) để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh..

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh