"Khát" lao động ngành may mặc

07:02, 24/02/2022

Các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã hoạt động trở lại và đạt 100% công suất. Vì vậy, các DN ngành may mặc và giày da hiện nay có nhu cầu tuyển rất nhiều lao động cho sản xuất, kinh doanh.

 

 

Các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp ngành dệt may, giày da đang có nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã hoạt động trở lại và đạt 100% công suất. Vì vậy, các DN ngành may mặc và giày da hiện nay có nhu cầu tuyển rất nhiều lao động cho sản xuất, kinh doanh.

“Khát” lao động

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện 2 KCN (Hòa Phú, Bình Minh) và tuyến công nghiệp (Cổ Chiên- khu IV) có 45 DN đang hoạt động (16 DN trong nước và 29 DN có vốn đầu tư nước ngoài). Khi các DN trở lại hoạt động với 100% công suất, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng rất lớn để bù đắp số lượng công nhân nghỉ do tình hình dịch bệnh COVID-19 và không trở lại làm việc.

Theo số liệu dự báo, số lượng lao động cần tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm nay (bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc) vào khoảng 24.100 lao động. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn, gồm: giày da, may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử,...

Trong đó, các DN trong ngành may mặc, giày da có nhu cầu tuyển dụng nhiều là: Công ty TNHH Tỷ Xuân 7.087 lao động, Công ty TNHH Tỷ Bách 7.000 lao động, Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam 2.500 lao động, Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam) 1.500 lao động, Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công 1.500 lao động… Nhu cầu chủ yếu là lao động phổ thông.

Bà Lê Thị Hằng- Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự Công ty TNHH May mặc Leader (Việt Nam) cho biết, hiện tại, nhu cầu tuyển dụng lao động của đơn vị rất cao nhưng lại rất khó để tuyển đủ. Nguyên nhân là sau dịch, số lượng lao động dịch chuyển từ DN này sang DN khác rất nhiều.

“Có nhiều lao động thậm chí đang là công nhân may sẵn sàng chuyển sang ngành nghề khác với mức lương tương đối cao hơn. Về tuyển dụng lao động ngành may mặc, không chỉ riêng đơn vị mà các công ty khác cũng đang rất… khát nguồn lao động”- bà Hằng chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN may mặc ở huyện Mang Thít cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động tại đơn vị là thường xuyên và có mức thu nhập khá. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu và DN phải thường xuyên tìm kiếm nguồn lao động từ các địa phương khác.

Theo vị lãnh đạo này, để ngành may mặc phát triển ổn định, bền vững và gắn bó với địa phương, ngoài các chính sách tuyển dụng thì địa phương cũng cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ DN trong vấn đề tuyển dụng lao động.

Hiện nay DN ngành may mặc không thiếu đơn hàng nhưng lại thiếu lao động, thậm chí DN không dám nhận thêm đơn hàng vì “sợ làm không kịp”. Một DN dệt may lớn ở KCN Hoà Phú cho biết, hiện tại, đơn hàng xuất khẩu DN có rất nhiều nhưng lại không dám nhận vì không sợ chủ động được lực lượng sản xuất.

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển bền vững ngành dệt may trong bối cảnh COVID-19” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa tổ chức, ông Trần Như Tùng- Chủ tịch Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công cũng chia sẻ, ngành dệt may hiện có một vấn đề đáng quan tâm là việc thiếu hụt, không chủ động được nguồn lao động.

Ông Như Tùng lấy ví dụ thực tế tại đơn vị, nhà máy tại Vĩnh Long làm hàng cho Adidas nhưng không dám nhận thêm đơn hàng vì tình hình lao động không được ổn định. Bởi theo các cam kết, nếu như DN nhận đơn hàng mà không sản xuất được thì phải trả chi phí vận chuyển hàng không. Mà chi phí giao hàng hàng không rất cao, lúc đó, DN có thể bị lỗ, nên họ rất thận trọng về vấn đề này. 

“Lực lượng lao động của DN sau đợt dịch bị thiếu hụt rất nhiều. Thực tế, hiện nay đơn hàng không thiếu, cái chúng ta thiếu là lực lượng lao động mà thôi”- Chủ tịch Công ty Dệt may Thành Công bày tỏ.

Tập trung hỗ trợ DN tuyển dụng

Nhu cầu tuyển dụng khá cao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, tại 2 phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến hồi giữa tháng 12 năm ngoái, có 50 DN tham gia trực tuyến và ủy thác tuyển dụng với 16.200 nhu cầu tuyển dụng.

Các phiên giao dịch trên có gần 800 lượt người lao động tham gia- chủ yếu là trực tiếp. Kết quả, Trung tâm kết nối giới thiệu 50 lao động trao đổi, phỏng vấn với các công ty, DN. Sau Tết Nguyên đán, trong 2 ngày 7 và 8/2, Trung tâm cho biết có 10 lượt DN đăng ký tuyển dụng (tuyển mới và tuyển dụng lại) 23 vị trí cần tuyển với gần 760 nhu cầu, chủ yếu là lao động phổ thông.

Theo một tổng hợp gần đây của trung tâm, hiện có 65 công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với 130 vị trí tuyển và hơn 24.500 nhu cầu, trong đó, khu vực làm việc trong tỉnh là gần 9.600 lao động, làm việc ngoài tỉnh gần 15.000 lao động.

Riêng tại KCN Hòa Phú có 7 công ty đang còn nhu cầu tuyển dụng 20 vị trí việc làm với hơn 3.400 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Còn tại KCN Bình Minh (TX Bình Minh) đang có 6 công ty có nhu cầu tuyển 18 vị trí với hơn 3.600 lao động.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.

Để tiếp tục hỗ trợ DN trong tuyển dụng, giúp người lao động nắm bắt tốt nhu cầu tuyển dụng và sớm trở lại thị trường lao động, trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền việc làm, dạy nghề, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tăng cường quảng bá cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tư vấn, tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm định kỳ, nhằm hỗ trợ DN thu hút bổ sung nhân lực, giúp người lao động tiếp cận nhanh thông tin để sớm trở lại và hòa nhập vào thị trường lao động.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 là khoảng 35.000 người (lao động phổ thông 28.000 người, lao động có chuyên môn 7.000 người). Qua thu thập thông tin và phân tích thị trường lao động, dự báo năm nay thị trường lao động sẽ có chuyển biến tích cực, nhu cầu tuyển dụng tăng 1- 2%. Sự dịch chuyển lao động của các tỉnh khác vào tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng về số lượng lẫn chất lượng.

Cùng nguồn sinh viên sẽ tốt nghiệp ra trường, việc vận động thu hút số lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động chuẩn bị nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động... là các điểm có thể kỳ vọng đảm bảo cung- cầu, ổn định và phát triển thị trường lao động- việc làm trong năm mới.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh