Đánh giá thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra hai năm 2020-2021, ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết ước tính 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.
Đánh giá thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra hai năm 2020-2021, ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết ước tính 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.
Ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng dịch COVID-19 gây thiệt hại cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020-2021 khoảng 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD - Ảnh: NAM TRẦN |
Tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, được tổ chức ngày 5/12, thảo luận biện pháp để giúp Việt Nam khắc phục và phát triển kinh tế bền vững, ông Nguyễn Thành Phong, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng cần phải lượng hóa thiệt hại kinh tế mất đi do đại dịch.
Theo ông Phong, nếu giả định năm 2020-2021 không có đại dịch thì GDP của nền kinh tế Việt Nam tăng 7%, nhưng năm 2020, GDP tăng 2,91% và năm 2021 dự kiến tăng chỉ 2,5%.
Như vậy tính toán năm 2020, giá trị thiệt khoảng 160.00 tỉ đồng và năm 2021 là 346.000 tỉ đồng. Tính cả hai năm 2020-2021 cộng lại, số thiệt hại về mặt giá trị kinh tế khoảng 507.000 tỉ đồng theo giá năm 2010. Còn tính theo giá hiện hành, con số này lên tới 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.
Do đó, để giảm thiệt hại kinh tế, chúng ta phải nhanh chóng tìm ra giải pháp, cách thức để phục hồi nền kinh tế.
Vậy đâu là động lực tăng trưởng, phục hồi kinh tế trong thời gian tới? Ông Phong cho rằng Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP thì vượt 200%. Có thể nói đây là chiến lược rất đúng đắn của Việt Nam.
Với quốc gia đi sau mà tăng trưởng nhanh thì bao giờ cũng biết dựa vào thị trường rộng lớn ở bên ngoài và mở rộng quy mô sản xuất và thu ngoại tệ để nhập khẩu các thiết bị cần thiết. Các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc… có tăng trưởng nhanh, dựa vào xuất khẩu.
Nên giới hạn tăng trưởng là khả năng cung ứng và cạnh tranh. Như vậy khả năng mở rộng tăng cung cho nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư.
Chính vì vậy, ông Phong nhận định, động lực tăng trưởng chủ yếu hiện nay của Việt Nam là đầu tư để vừa tăng cầu và cũng vừa tăng năng lực tiềm năng.
Thứ hai là đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Khuyến khích tiêu dùng nội địa là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, khai thác thị trường trong nước nên chú trọng hàng sản xuất trong nước thay thế hàng tiêu dùng nhập khẩu hiện nay.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất cũng như tiêu dùng, đầu tư có hiệu quả, trong đó đầu tư là điều kiện cần, xuất khẩu là điều kiện đủ và tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm. Chuyển đổi số là yếu tố thời đại để đầu tư chú trọng vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay.
Ông Phong đánh giá xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là yếu tố quan trọng neo giữ kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư trong nước. Mặc dù nền kinh tế có khó khăn nhưng niềm tin của giới đầu tư cũng như phục hồi kinh tế vẫn rất tích cực.
"Đầu tư trong nước quan trọng nhưng đầu tư nhà nước có vai trò dẫn dắt. Bởi đầu tư nhà nước vào hệ thống kết cấu hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ, tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư của nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân.
Có thể nói trong điều kiện bình thường mới, vai trò đầu tư nhà nước vẫn giữ vai trò tiên phong để thúc đẩy kinh tế cả cung và cả cầu" - ông Phong nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết phải hết sức chú ý hạ thấp lãi suất ngân hàng cũng như thiết lập hệ thống cung ứng lao động cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Để khơi thông tiêu dùng nội địa và xuất khẩu thì chúng ta cần thiết phải có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng nội địa và giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng hỗ trợ nhà ở, xây dựng nhà ở cho công nhân, giảm chi phí khám chữa bệnh, nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp…
Theo LÊ THANH - NGỌC AN/Báo điện tử Tuổi trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin