Những "thợ rừng" ở tỉnh Lào Cai đi lấy ruột cỏ cây cỏ tế (một loài cỏ dại trên rừng) mang về bán cho thương lái phải di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm km mỗi ngày để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.
Ông Vàng A Sáng, xã Na Hối, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) buộc ruột tế sau khi bóc vỏ. |
Những “thợ rừng” ở tỉnh Lào Cai đi lấy ruột cỏ cây cỏ tế (một loài cỏ dại trên rừng) mang về bán cho thương lái phải di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm km mỗi ngày để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.
Cỏ tế còn được nhiều người gọi là “tế guột” thường mọc hoang ở ven rừng hoặc xen lẫn các đồi cỏ gianh. Là loài cỏ dại nhưng ruột tế được nhiều làng nghề đan lát ưa chuộng bởi ưu điểm dẻo, dai, dễ đan lát thành các sản phẩm thủ công bền, đẹp.
Có nhiều làng nghề đan lát đã biến ruột tế trở thành sản phẩm thủ công được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Nhu cầu về ruột tế đã hình thành cho những người dân vùng cao Lào Cai có thêm “nghề” lấy ruột cỏ tế, tăng thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn.
Mỗi ngày, ông Vàng A Sáng, xã Na Hối, huyện Bắc Hà phải di chuyển từ vài chục đến hàng trăm km, tìm những khu vực có nhiều cỏ tế để khai thác ruột cũng như đặt hàng, thu gom ruột tế khô từ người dân.
Với mỗi kg ruột tế khô, ông Sáng mua lại của người dân với giá 15 nghìn đồng. Thấy chúng tôi tò mò, ông Sáng đồng ý cho theo chân một chuyến đi lấy ruột tế.
Do khu vực gần nhà còn ít cỏ tế, ông Sáng và vợ ông dẫn chúng tôi sang tận đèo Mường Hum, thuộc địa phận huyện Bát Xát, cách Na Hối hơn 100 km để lấy ruột tế. Hành trang trong mỗi chuyến đi chỉ đơn giản là 2 con dao, mấy đôi găng tay, cơm nắm, nước lọc và chiếc xe máy “cà tàng”…
Ông Sáng tâm sự: Lấy ruột tế chỉ là nghề tay trái, ấy thế mà tôi cũng bén duyên với “nghề” này 20 năm có lẻ. Nhờ loài cỏ dại này, vợ chồng tôi kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Theo ông Sáng, cây tế thường mọc dại ở ven rừng, mái taluy dọc các tuyến đường hoặc xen lẫn giữa đồi cỏ gianh.
Thế nhưng, không phải loại cỏ tế nào cũng có thể lấy được ruột. Theo cách gọi của ông Sáng, loại “tế trâu, tế ngố” cây to, nhiều nước, lõi mềm, không dai, hao nhiều sau khi tách vỏ; “tế ré” cây ngắn, vỏ cứng, khó tách vỏ, ruột giòn, không thích hợp để đan lát.
Chỉ có “tế nghiêng” thân dài, ruột dẻo dai, dễ tách vỏ, được những người làm nghề đan lát ưa chuộng mới được “thợ rừng” lấy về bán. “Tế nghiêng” không phải nơi nào cũng có, nhiều nhất ở các huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát…
Sau quãng đường hơn 100 km, ông Sáng dựng chiếc xe máy “cà tàng” vào bụi cây ven đường, thoăn thoắt leo lên mái taluy dương ở đèo Mường Hum để chặt tế.
Chẳng mấy chốc, những bó tế khoảng 1,5 m đã được ông lao từ bụi rậm xuống cho vợ chờ sẵn để thu gom phía dưới.
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ luồn lách trong bụi rậm, chặt được vài bó cây tế, ông Sáng trở lại ven đường. Lúc này, vợ ông và một người đi cùng cũng thu gom cây tế về bãi đất bằng phẳng, có bóng cây che để tách vỏ.
Sau một lúc nghỉ ngơi uống nước, ông Sáng nói thêm về sự vất vả của “nghề” lấy ruột tế. Ông kể, nghề này vất vả nhất là khâu chặt cỏ tế, bởi khu vực cỏ tế mọc thường rất rậm rạp, nhiều chỗ là vách taluy dựng đứng.
Người lấy phải vạch cỏ, phát cỏ, tìm gốc tế chặt sát đất mới lấy được thân dài. Nguy hiểm hơn cả là trong bụi cỏ tế thường có rắn, rết, sâu róm và ong. Giơ bàn tay có dấu hiệu sưng đỏ, ông Sáng bảo vừa bị ong đốt khi chặt cỏ tế.
“Lấy cỏ tế mùa này, hầu như ngày nào tôi cũng bị ong đốt, ong đốt nhiều thành quen, có lần bị ong đất đốt thối thịt, phải nghỉ vài ngày. Đôi khi đi vào bụi cũng gặp rắn, rết nhưng tôi thường chủ động phát ra tiếng động mạnh để chúng biết và rời đi trước”, ông Sáng chia sẻ.
Lần lấy cỏ tế này, ngoài vợ ông Sáng đi theo để tách vỏ tế còn có bà Vàng Thị Lang (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát) đi cùng.
Bà Lang cho biết: Đợt này, tôi sang thôn Piềng Láo, xã Mường Hum trông cháu nhưng con dâu đang được nghỉ hè nên tôi theo vợ chồng ông Sáng đi lấy ruột tế. Mỗi ngày tôi cũng kiếm được hơn 200 nghìn đồng.
Sau khi thu gom cây tế về một chỗ, vợ chồng ông Sáng và bà Lang bắt đầu công đoạn tách vỏ. Ở công đoạn này, những người “thợ” phải đập dập vỏ tế, dùng tay tước những mảnh vỏ sắc để lấy ruột tế màu vàng bên trong.
Do vỏ tế khi đập dập rất nhọn và sắc, họ phải dùng găng tay bảo hộ, đôi khi sơ ý, vỏ tế vẫn đâm xuyên găng tay, khiến bàn tay của người “thợ” tứa máu.
Ruột tế khi tách vỏ xong lại được sóng dài ra, buộc thành từng bó rồi cuộn tròn để tránh bị rối, sau đó phơi khô là có thể đem bán. Cứ 10 kg ruột tế tươi sẽ thu được 7 kg ruột tế khô, bán được khoảng 105.000 đồng.
Ông Sáng tâm sự: Nếu tìm thấy khu vực có cỏ tế nhiều và đẹp, người chăm chỉ có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Ven rừng huyện Bát Xát có nhiều cây tế mọc hoang. |
Ngoài tự đi lấy ruột tế, tôi cũng đặt người dân ở những nơi tôi qua để thu mua ruột tế với giá 15.000 đồng/kg khô để về giao cho thương lái. Thương lái đặt tôi hàng tấn ruột tế khô, nên chỉ sợ không có sức lấy về giao cho họ.
Bóc xong đống cỏ tế cũng gần đến giờ trưa, ông Sáng và những người đi cùng ăn tạm nắm cơm muối vừng mang theo để tiếp tục công việc buổi chiều. Cứ như thế, lấy hết cỏ tế chỗ này, ông Sáng lại vạch lối tìm đám cỏ tế khác để khai thác.
Bên đèo Mường Hum, vài người đi đường thấy lạ dừng lại tìm hiểu công việc lấy cỏ tế của vợ chồng ông Sáng. Sau một lúc học cách lấy ruột tế và lấy số điện thoại liên hệ, ông Hoàng Phìn Hồ, thôn Bản Xèo, xã Bản Xèo cũng định hôm sau đi theo ông Sáng lấy ruột tế...
Cuộc sống đôi khi thật thú vị bởi có những nghề “độc, lạ” chẳng mấy ai nghĩ tới. Trong lúc dịch bệnh phức tạp, nhiều người thiếu việc làm, những “thợ rừng” vẫn có thể dựa vào thiên nhiên, khai thác cỏ dại để có thêm thu nhập. Thế mới thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức sáng tạo của con người là vô tận, nếu biết khai thác đúng tiềm năng và bền vững, con người sẽ sống tốt nhờ mẹ thiên nhiên.
Theo Đức Phương (Báo Lào Cai)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin