Đối với ngành xây dựng, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh.
Xây dựng đô thị thông minh, cần phát triển hạ tầng đô thị thông minh. |
Đối với ngành xây dựng, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh. Do đó, việc thực hiện quy hoạch phải từng bước áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để lập quy hoạch và xây dựng công cụ, phần mềm nhằm quản lý phát triển đô thị (ĐT) trên nền tảng quy hoạch. Trong quá trình đó, việc triển khai công nghệ thông tin để thực hiện công tác quy hoạch, tích hợp và đồng bộ dữ liệu của các ngành có liên quan đóng một vai trò quan trọng.
Xây dựng thành phố thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, vì vậy phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực. Trong đó, nhóm vấn đề được ưu tiên đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý phát triển ĐT. Để thực hiện được điều này thì công tác chuyển đổi số cần được tiến hành một cách mạnh mẽ và đồng bộ.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số nên trong thời gian vừa qua, ngành xây dựng đã từng bước thực hiện công tác này cho phù hợp và bắt kịp với tình hình mới.
Về phía Trung ương, gần đây nhất Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1004 ngày 31/7/2020 về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, nêu cụ thể 6 lĩnh vực sẽ ưu tiên thực hiện chuyển đối số trong thời gian tới là: cơ sở dữ liệu số (trong đó bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng); thực hiện chính phủ điện tử; hoạt động xây dựng (tư vấn thiết kế; tư vấn thẩm tra, thẩm định; thi công xây lắp; nghiệm thu công trình); khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; quy hoạch xây dựng, phát triển ĐT và hạ tầng kỹ thuật ĐT; nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
Tại Vĩnh Long, theo ông Nguyễn Văn Tiến- Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ngành đã từng bước hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước (công bố thông tin quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng chỉ hành nghề, công bố đơn giá vật liệu xây dựng).
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ hợp tác với Viện Khoa học công nghệ xây dựng ACUD- trực thuộc Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam và Công ty CP Công nghệ cao CTECH để được tập huấn, đào tạo sử dụng phần mềm quản lý quy hoạch ĐT, mà trước mắt là ứng dụng cho quy hoạch chung TP Vĩnh Long vừa được phê duyệt.
Đô thị thông minh hướng đến mang lại các tiện ích, sự hài lòng cao cho người dân. |
Bên cạnh vấn đề then chốt là chuyển đổi số thì việc thực hiện ĐT thông minh cần thực hiện những vấn đề như: phát triển hạ tầng ĐT thông minh, trong đó đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật ĐT thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông; phát triển các tiện ích, dịch vụ công cộng thông minh cho dân cư ĐT, đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, khuyến khích các mô hình giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe trực tuyến... Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển ĐT thông minh bền vững. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về ĐT thông minh cho mọi người dân để có được sự đồng thuận cao trong thực hiện.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn- Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Thành Nam (Hà Nội) cho rằng, chỉ ra được các vấn đề cần phải xây dựng và phát triển cho ĐT thông minh, hơn hết yếu tố thiết kế và quản lý quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu. Và ở giai đoạn đầu này, rất cần đội ngũ kiến trúc sư, những nhà quản lý đô thị tham gia tìm hiểu để thiết kế quy hoạch và cùng xây dựng nền tảng cho các ứng dụng của ĐT thông minh cần có.
“Tóm lại, việc thực hiện ĐT thông minh phải được xác định và xoay quanh 3 trụ cột chính là: công nghệ, con người và quản trị. Trong đó, sự hài lòng của cư dân trong các ĐT là thước đo rõ nhất cho sự thành công”- ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Nhằm tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950 ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển ĐT thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển ĐT thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐT thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ ĐT... Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, là cơ sở để tích hợp các loại quy hoạch, tạo điều kiện triển khai xây dựng thành phố thông minh trên một phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin