Kỳ 4: Chiến lược phát triển mới cho ĐBSCL

06:04, 06/04/2021

 Từ việc khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của miền Tây khi còn là Thủ tướng Chính phủ thì tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: Thành quả 3 năm triển khai Nghị quyết 120 là đáng mừng nhưng chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.

(VLO) Từ việc khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của miền Tây khi còn là Thủ tướng Chính phủ thì tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: Thành quả 3 năm triển khai Nghị quyết 120 là đáng mừng nhưng chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm.

Mạnh dạn chuyển đổi từ chuyên canh lúa sang “lúa- sen” giúp người dân Đồng Tháp Mười có sinh kế và thu nhập ổn định hơn.
Mạnh dạn chuyển đổi từ chuyên canh lúa sang “lúa- sen” giúp người dân Đồng Tháp Mười có sinh kế và thu nhập ổn định hơn.

Ứng phó trước những thách thức mới

Những năm gần đây, ngay trong mùa nước nổi nhưng nhiều địa phương đã phải lo ứng phó hạn, mặn. Điều đó đã thúc đẩy chính quyền và người dân cùng hành động. Trước nay người dân sống vùng đầu nguồn đợi mùa nước để đánh bắt cá… kiếm nguồn thu đáng kể.

Nhưng vài năm nay, nước về trễ lại giựt sớm, cá mắm không bao nhiêu, không thể “dựa” vào con nước, nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) như chú Nguyễn Văn Hơn đã chuyển 32 công ruộng sang “vụ lúa- vụ sen vì chỉ trồng lúa thì bấp bênh quá”.

Chú Nguyễn Duy Bằng cũng cho biết từ định hướng phát triển du lịch của tỉnh Đồng Tháp, mạnh dạn chuyển đổi 28 công đất sang “lúa- sen” và thu lời gấp 3- 4 lần so với chỉ trồng lúa.

Cùng người dân hành động, ông Phạm Thiện Nghĩa- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- cho biết: “Đúc kết từ Nghị quyết 120 và đề án cơ cấu lại nông nghiệp, chúng tôi đã có định hướng rất sâu sát, gắn với thích ứng của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Chúng tôi giảm lúa vụ 3, giúp giảm 3,8 tỷ m3 nước/năm. Hơn nữa, đến cuối năm 2020, Đồng Tháp đã tạm ngưng khai thác nước ngầm. Chúng tôi điều chỉnh lại các quy hoạch ven sông Tiền và sông Hậu, hạn chế thu hút các dự án đầu tư có tác hại đến nhiễm môi trường”.

Từ nhận thức sâu sắc “BĐKH với tỉnh không còn là dự báo, kịch bản nữa, mà đã biểu hiện rõ nét bởi xâm nhập mặn, khan hiếm nước ngọt trong mùa khô và thời tiết khắc nghiệt của vùng ven biển và hải đảo vào mùa mưa.

Tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng, đất đai rừng phòng hộ ven biển bị sóng đánh trôi” nên theo Bí Thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình: Quan điểm nhất quán trong phát triển của tỉnh là “tôn trọng quy luật tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng”.

Điều đó đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến mạnh mẽ không những về tư duy mà còn là hành động cụ thể của các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh.

Hơn nữa, sự đồng thuận, đồng lòng đó còn tạo cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân sáng tạo trong lao động sản xuất, chủ động thích ứng với BĐKH.

Cùng với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với chủ trương Nghị quyết 120, giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Kiên Giang đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH cho khoảng hơn 24.000ha. Nhiều mô hình, sáng kiến điển hình như trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân trong bối cảnh mới.

Thuận theo thiên nhiên và sống hài hòa

PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ)- cho biết: Những năm gần đây, lũ xuất hiện bất thường do ảnh hưởng của nhiều phía như BĐKH, tác động của con người và đắp đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong…

Canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân bón, nông dược gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất nhanh hơn.

Về lâu dài, “các tỉnh đầu nguồn hạn chế làm đê bao để sản xuất lúa vụ 3 và kiểm soát việc khai thác nước ngầm. Chuyển hướng dần sang canh tác bền vững, chú trọng chất lượng hơn số lượng”- PGS.TS. Lê Anh Tuấn khuyến nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về sinh thái, tinh thần của Nghị quyết 120 cho thấy “thuận” là chính.

Do đó, trước đây một thời gian dài chúng ta chạy theo năng suất, lấy năng suất làm thành tích. Chúng ta mở, thậm chí mở rộng những vùng ngọt sang những vùng mặn để có được năng suất lúa.

Còn bây giờ tinh thần của Nghị quyết 120 đã thấm dần dần và người dân đã có những mô hình chuyển đổi và những sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực.

“Cái được nhất là chúng ta không phải oằn mình chống chọi với thiên nhiên, mà vẫn thuận lợi sống hài hòa với thiên nhiên và đồng bằng vẫn có một tương lai sáng phía trước”- ông Nguyễn Hữu Thiện đúc kết.

Theo ghi nhận, quá trình xâm nhập mặn với mức độ của mỗi tỉnh là khác nhau, thậm chí khác nhau trong các vùng trong tỉnh.

Để phát triển bền vững ĐBSCL trước BĐKH, việc tuân thủ theo Nghị quyết 120 đó chính là tôn trọng quy luật tự nhiên, nhưng không phải là “thuận thiên” là xuôi tay hết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, một nguyên tắc quan trọng là phối kết hợp giải pháp công trình và giải pháp mềm.

Nếu không có giải pháp công trình trong bối cảnh này cũng hoàn toàn không được, ngược lại, nếu có giải pháp công trình mà chúng ta không chủ động các giải pháp mềm (đó là thích ứng bằng đối tượng sản xuất, thích nghi, mùa vụ, kỹ thuật, kinh nghiệm…) thì cũng không thể thích ứng.

Chính vì vậy, với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương mà việc thực hiện ứng biến theo “thuận thiên” sẽ khác nhau.

Chiến lược “8G” và triết lý phát triển “thuận thiên”

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH”, với tư cách Thủ tướng Chính phủ thì tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quan điểm chiến lược tiếp cận mới với 8 nội dung có các từ khóa đều bắt đầu bằng chữ G.

Theo ông, chữ “G” đầu tiên là “Giao”. Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của BĐKH.

Chữ G thứ hai là “Giáo”- giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.

Chữ G thứ 3 là “Giang”. ĐBSCL là vùng sông nước, kinh tế và sinh kế của người dân gắn liền với các con sông. Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistic đường sông.

Chữ G thứ tư là “Gắn”. Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển
bền vững.

Chữ G thứ 5 là “Giàu”. Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Chữ G thứ 6 là “Giỏi”. Cần có chính sách chung về thu hút tài năng có tấm lòng và quyết tâm cống hiến vì phát triển của
đồng bằng.

Chữ G thứ 7 là “Già”. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước. Do đó, cần có chính sách chủ động và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già, người yếu thế.

Chữ G thứ 8 là “Giới”. Cần có chiến lược để đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm, nhất là các ngành nghề theo xu hướng của cuộc cách mạng công
nghệ 4.0.

“Chúng ta thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên- tức là nương theo các quy luật tự nhiên để phát triển, không can thiệp thô bạo, phá vỡ tính có ích sẵn có của giới tự nhiên nhưng nội hàm của nó không phải là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.

BĐKH không phải do tự nhiên tạo ra mà chủ yếu là hệ quả của các hoạt động của con người. Do đó, chúng ta phải nhận thức đúng để có các giải pháp và hành động phù hợp trước một hiện tượng như thế, là một phần của quy luật tự nhiên hiện nay”- ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL cần thực hiện, như tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách và các yếu tố kinh tế. Nghiên cứu để có cơ sở linh hoạt trong quy hoạch diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị cao hơn và thích ứng với BĐKH.

Kỳ cuối: Nghĩ đến một đồng bằng giàu mạnh

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh