Kỳ 2: Nông nghiệp "thuận thiên" chuyển động mạnh

05:04, 02/04/2021

Để thuận thiên, nông nghiệp ĐBSCL thực hiện xoay trục chiến lược sang thủy sản- trái cây- lúa, chủ động chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn- mặn sang thủy sản, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Nông nghiệp công nghệ cao tạo chuyển biến mạnh mẽ nền nông nghiệp ĐBSCL.
Nông nghiệp công nghệ cao tạo chuyển biến mạnh mẽ nền nông nghiệp ĐBSCL.

(VLO) Để thuận thiên, nông nghiệp ĐBSCL thực hiện xoay trục chiến lược sang thủy sản- trái cây- lúa, chủ động chuyển diện tích lúa kém chất lượng, thường xuyên bị hạn- mặn sang thủy sản, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xoay trục đúng hướng

Khẳng định điều này tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển ĐBSCL phải dựa trên tình hình tài nguyên nước, để tổ chức lại sản xuất, tổ chức dân sinh theo cách “thuận thiên”, thích nghi với từng điều kiện sinh thái ngọt, mặn, lợ.

Theo đó, bố trí lại nhiệm vụ sản xuất của toàn vùng, xoay trục kinh tế theo hướng thủy sản- lúa gạo- trái cây. Trước Nghị quyết 120, diện tích lúa gạo được quy hoạch toàn vùng lên tới gần 1,81 triệu héc ta.

Nhưng hiện đã giảm xuống còn hơn 1,7 triệu héc ta, tăng diện tích trái cây, thủy sản, giá trị xuất khẩu tôm, cá tra, trái cây của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Nhận diện thách thức và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, từng địa phương ở ĐBSCL đã có định hướng phát triển tích cực. Chẳng hạn, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chương trình hành động phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Qua đó, ngoài nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, những chủ trương, chính sách cũng tập trung hỗ trợ, khuyến khích người, doanh nghiệp phục vụ quá trình chuyển đổi, nhất là lĩnh vực nông nghiệp một cách căn cơ.

Tỉnh đã ban hành chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021- 2030; phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên.

Ngoài ra, Vĩnh Long đang triển khai lập quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017; ban hành Kế hoạch thực hiện đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái ĐBSCL” và Kế hoạch thực hiện đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông đến năm 2030, đồng thời tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm thích ứng với BĐKH.

Đi vào thực tiễn sản xuất, ông Bùi Thanh Liêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Chợ Lách là địa bàn chuyên cây giống, hoa kiểng, khả năng chịu mặn rất kém. Mặn lên là chết”.

Do vậy, bên cạnh giải pháp “mềm”: tập huấn cho người dân biện pháp ứng phó, chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn, huyện đã đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, hoàn chỉnh cống đập, đặc biệt là nạo vét hệ thống kinh mương nội đồng… đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt cho hơn 9.248ha đất nông nghiệp.

Trong năm 2020, tỉnh Vĩnh Long đã chuyển đổi từ đất trồng lúa 3 vụ sang cây trồng khác trên 28.315ha. Trong năm 2021, Vĩnh Long có kế hoạch chuyển đổi 29.000ha cây trồng trên đất lúa với khoảng 26.500ha cây hàng năm và 2.500ha cây lâu năm. Diện tích lúa cả năm 2020 của tỉnh Vĩnh Long là 145.770ha, giảm 6,2% (tương đương 9.643ha) so với năm 2019.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Hậu Giang, từ nhận định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Cụ thể, các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn cao như huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh ngày càng có nhiều mô hình thích ứng mang lại giá trị kinh tế cao, như các mô hình: tôm- lúa ở xã Lương Nghĩa, mãng cầu xã Thuận Hòa, đậu bắp Nhật xã Lương Tâm, khóm xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến…

Sự vào cuộc hành động của các địa phương cũng phù hợp các giải pháp song song “cứng” và “mềm” mà Bộ Nông nghiệp- PTNT đã triển khai.

Trong đó, giải pháp mềm là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hiện tại.

Bên cạnh, tập trung chỉ đạo các viện nghiên cứu và chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có giá trị kinh tế, chất lượng cao, thích ứng với BĐKH phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL như: măng cụt, bưởi, cam, xoài, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực lúa gạo, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận khoảng 75%, dự kiến đến năm 2025 đạt 90% và năm 2030 đạt 100%.

Nhiều giống cây trồng đã khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh nuôi trồng thủy sản, như ngành cá tra đã hình thành chuỗi sản xuất- chế biến- xuất khẩu, nuôi tôm thích ứng với xâm nhập mặn… đang phát huy hiệu quả.

Định hướng chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, tập trung cho phát triển thủy sản công nghệ cao đã giúp An Giang “xây dựng được chuỗi liên kết cá tra 3 cấp”- ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm- “tỉnh cũng đã thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất giống cá tra công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 950ha”.

Diện tích sử dụng giống lúa xác nhận, chất lượng cao góp phần tăng giá trị cho hạt gạo đồng bằng.
Diện tích sử dụng giống lúa xác nhận, chất lượng cao góp phần tăng giá trị cho hạt gạo đồng bằng.

Chuyển động “thuận thiên” hiệu quả

Nói về những đổi thay của ngành nông nghiệp sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp ĐBSCL đã chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, thích ứng với hạn mặn, xu thế nước biển dâng do BĐKH, đồng thời phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường hiện nay.

Bộ Nông nghiệp- PTNT đã góp phần định hình lại mô hình sản xuất theo từng vùng ngọt, mặn, lợ, đan xen giữa mùa vụ này với mùa vụ khác, chuyển dần diện tích thuần lúa sang những mô hình đa canh khác như lúa- tôm, lúa- cá hoặc mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn.

Những mô hình này vừa “thuận thiên”, vừa đảm bảo nền nông nghiệp tuần hoàn. Việc áp dụng các mô hình luân canh, xen canh cũng giúp phục hồi hệ sinh thái, cải thiện độ dinh dưỡng của đất, giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí cho nông dân, tạo ra nông sản sạch, có giá trị cao hơn.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều sản phẩm tôm sạch, lúa sạch nhờ quá trình chuyển đổi đó. Có thể nói việc thực hiện Nghị quyết 120 đã giúp sản xuất nông nghiệp ĐBSCL thêm một bước tiến mới trong điều kiện BĐKH tiêu cực hiện nay.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, để nông nghiệp vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển thích ứng với BĐKH theo tinh thần Nghị quyết 120 thì phải huy động hơn nữa sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Đầu tiên là hiệu quả từ những giải pháp công trình, dùng công nghệ số để chuyển những dữ liệu “mặn, ngọt, triều” đến với từng người trong các khu dân cư.

Nghị quyết 120 cũng xác định thứ tự ưu tiên trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL là thủy sản, cây ăn trái, lúa gạo. Tuy nhiên, đây là quan điểm chung cho toàn vùng còn đối với từng tiểu vùng, hệ sinh thái thì có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Điều quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp, người dân phải liên kết để nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị ngành hàng, tạo ra những giống lúa, trái cây mang tính biểu trưng của vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ số kết nối vùng nguyên liệu với thị trường để chủ động sản xuất, giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Giải pháp phi công trình là vận hành, phải thay đổi giống lúa bản địa, các giống lúa chất lượng cao để hướng tới thị trường.

Chuyển dần diện tích thuần lúa sang các mô hình khác như lúa- tôm, lúa- sen, lúa- cá… Các mô hình mang tính chất thuận thiên và một nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp phục hồi hệ sinh thái tốt hơn, tạo ra những nông sản sạch và an toàn.

 

GS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ

“Cái tôi thấy nó triền miên 3 năm nay là nông dân họ chuyển đổi rồi gặp khó khăn đầu ra. Báo cáo của các bộ chưa ai nói đầu ra cho bà con nông dân. Chúng ta không thể để cho thương lái hoành hành trong dân hoặc không thể nào cứ giải cứu hoài. Chúng ta phải làm cho ổn định lại”.

“Tôi nghĩ rằng tới đây trong quy hoạch của ĐBSCL thì chúng ta định hướng theo từng vùng. Vùng nào trồng cây gì trái gì. Từ định hướng đó, chúng ta kết hợp lại từ nông dân với nông dân. Chốt ý chính lại là chúng ta phải có quốc sách. Gắn nông dân với doanh nghiệp với thị trường. Bà con mình sản xuất manh mún là không thể giàu được”- GS. Võ Tòng Xuân nói và cũng cho rằng, tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa- tôm tăng nhiều nhưng có tính tự phát, chưa có đầu tư tổng thể nên việc phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều nhưng làm rất lẻ tẻ.

Kỳ sau: Liên kết vùng từ những đặc trưng khác biệt

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh