Nhà nông tìm hiểu

Bón phân hữu cơ giúp cây trồng thích ứng hạn- mặn

Cập nhật, 05:41, Thứ Ba, 27/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Xin hỏi về trường hợp bón phân hữu cơ cho bưởi lúc nào thì thích hợp trong điều kiện hạn- mặn?

Nguyễn Minh Trường (Vũng Liêm)

Nhờ bón phân hữu cơ, kết hợp phủ gốc giữ ẩm một nhà vườn ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã giúp cây bưởi da xanh thích ứng tốt, thậm chí cho trái ngay trong mùa hạn- mặn.

Hiện nhà vườn này đã sử dụng 70% phân hữu cơ, còn lại 30% là phân vô cơ nhưng với hàm lượng rất ít. Phân hữu cơ giúp cây có thể chống chịu được với hạn- mặn, tuổi thọ cao, cho trái nhiều, đều và rất ngọt.

Quy trình được áp dụng như sau, đầu mùa mưa, bón vôi bột cho vườn bưởi từ 7- 10 ngày, kèm tưới nước để giữ ẩm thường xuyên để xả hết phèn, xả độ mặn trong cây, sau đó mới bắt đầu bón phân hữu cơ.

Đầu tiên bón phân hữu cơ hỗn hợp cho vườn bưởi bằng phân gà khoảng 1 tháng, sau đó bón phân cá với hỗn hợp NPK 20- 20- 10 để tạo tán cho lá phát triển, cây có thể vừa ra bông vừa nuôi trái ngay thời điểm cây bị suy nhược do ảnh hưởng của hạn- mặn.

Phân hữu cơ giúp giữ được độ ẩm của đất, giúp đất tơi, xốp, làm cho trái mướt, bền bỉ. Màu xanh của bưởi khi bón phân hữu cơ không mướt mắt như bón phân vô cơ, nhưng độ ngọt của bưởi lại rất cao.

Để cây bưởi khỏe, chống chịu được với ảnh hưởng của hạn- mặn, cần phải bón phân hữu cơ 5 lần/năm, trung bình mỗi cây từ 3- 5kg. Nếu không bón phân hữu cơ hoặc bón không đủ chuẩn sẽ không phát huy được hết tác dụng.

Chia sẻ về cách chăm sóc vườn bưởi trong mùa hạn- mặn, khoảng giữa tháng 10âl, nhà vườn tập trung bón thúc phân hữu cơ.

Đồng thời, sử dụng lá dừa nước để ủ cho gốc bưởi, kết hợp phun thuốc trừ nấm bệnh để kích thích bộ rễ. Điều này đã giúp vườn bưởi có thể chống chịu tốt khi mặn lên cao, kéo dài khoảng 6 tháng.

Phân hữu cơ vừa cung cấp dinh dưỡng vừa giữ được độ ẩm trong đất nên vườn bưởi có thể cho trái ngay trong mùa hạn- mặn. Việc bón phân hữu cơ, cần phải bón sớm từ cuối năm trước, ngay từ trước mùa hạn, mặn của năm sau.

BẠN NHÀ NÔNG

 

Các tin khác: