Vĩnh Long xác định lợi thế phát triển nhanh và bền vững

09:02, 12/02/2021

Năm 2021 là năm khởi động thực hiện nhiệm vụ kinh tế- chính trị cho nhiệm kỳ 2021- 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Long sẽ có những hoạch định, chiến lược phát triển như thế nào? Đặc san Xuân Vĩnh Long 2021 trân trọng giới thiệu phỏng vấn ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long

Kết quả phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, đã đạt những thành tựu nhất định. Với kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy kinh tế của tỉnh đã bước vào giai đoạn ổn định, phục hồi, phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các cơ chế chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế đang phát huy hiệu quả, khắc phục dần các tồn tại, hạn chế và giúp nền kinh tế của tỉnh phát triển ngày càng bền vững hơn.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua, Vĩnh Long đã đạt mục tiêu tỉnh khá trong vùng ĐBSCL. Năm 2021 là năm khởi động thực hiện nhiệm vụ kinh tế- chính trị cho nhiệm kỳ 2021- 2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Long sẽ có những hoạch định, chiến lược phát triển như thế nào? Đặc san Xuân Vĩnh Long 2021 trân trọng giới thiệu phỏng vấn ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

* Thưa ông, được đánh giá là một năm nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh, xâm nhập mặn, nhưng Vĩnh Long đã đạt những kết quả tích cực phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2020. Kết quả này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Vĩnh Long triển khai và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Tác động kép của hạn mặn và dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và người dân nên tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh đến nay cơ bản ổn định. Ước đến cuối năm có 18/22 chỉ tiêu kinh tế- xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

 Ngành nghề thủ công mỹ nghệ tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Ngành nghề thủ công mỹ nghệ tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Các cấp, các ngành đã quán triệt và thực hiện tốt công tác vừa phòng chống dịch COVID-19, hạn mặn, vừa phát triển kinh tế nên tình hình kinh tế- xã hội trên địa bàn đến nay cơ bản ổn định, sản xuất kinh doanh đang trên đà phục hồi, kinh tế vẫn tăng trưởng, xã hội đã dần thích nghi với trạng thái bình thường mới.

Theo tôi, kết quả trên đây đã góp phần giúp tỉnh Vĩnh Long hoàn thành các mục tiêu thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020. Ước đến cuối năm 2020 đạt và vượt 11 chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chúng ta nhận thấy, quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng với tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (trừ năm 2020 do tác động của dịch COVID-19). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện quyết liệt và rộng khắp. Công nghiệp- thương mại, dịch vụ phát triển khá, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế...

Vĩnh Long đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị làm tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Vĩnh Long đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị làm tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Cùng với đó, an sinh phúc lợi xã hội luôn đảm bảo và thực hiện tốt, kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện, hiện đại, dịch vụ đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Quốc phòng- an ninh được giữ vững ổn định.

* Vâng, một trong những kết quả rất nổi bật nhiệm kỳ qua là Vĩnh Long đã đạt được mục tiêu quan trọng đạt tỉnh khá trong vùng ĐBSCL, xin ông nói cụ thể hơn về mục tiêu này, thưa ông?

- Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện các giải pháp phát triển bền vững kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long đạt khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, các cấp ủy đảng đã lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để đưa vào chương trình hoạt động, xây dựng kế hoạch hàng năm thực hiện ở địa phương, đơn vị. 

Chúng tôi cho rằng, Vĩnh Long đã đạt trình độ phát triển “khá bền vững” và đang phát triển theo hướng tăng cường an sinh xã hội, tăng cường bình đẳng và bền vững. Lĩnh vực môi trường và xã hội đạt được nhiều thành tựu cao hơn so với những kết quả đạt được từ quá trình phát triển kinh tế. Đối với việc thực hiện mục tiêu nghị quyết, các thành tựu về xã hội và môi trường cũng luôn ở mức cao hơn so với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy một số chỉ tiêu không đạt mục tiêu nghị quyết đề ra về giá trị, nhưng đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, trong đó một số chỉ tiêu vẫn đạt thứ hạng khá cao và xếp loại trình độ phát triển khá so với các tỉnh trong vùng.

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tăng “sức đề kháng”, thích ứng nhanh với tình hình mới.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tăng “sức đề kháng”, thích ứng nhanh với tình hình mới.

* Từ vị trí khá vùng ĐBSCL, Vĩnh Long sẽ đặt ra những vấn đề nào trong quá trình phát triển và tỉnh sẽ làm gì để phát huy các lợi thế so sánh này, thưa ông?

- Về tổng quan, tỉnh Vĩnh Long không có nhiều lợi thế để phát triển như các tỉnh trong khu vực. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn hạn chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá thấp so với vùng ĐBSCL như hiện nay, nhiệm vụ đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá bền vững (theo các yêu cầu cũ) về cơ bản đã đạt được. Tuy nhiên, với những yêu cầu mới đặt ra thì trình độ phát triển bền vững của tỉnh mặc dù đạt khá so với vùng ĐBSCL, nhưng mới đạt ở mức trung bình (theo thang điểm đánh giá LSI của UNDP). Qua đánh giá, Vĩnh Long có các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế còn thấp so với các chỉ tiêu về mặt xã hội và môi trường. Do vậy, chúng ta có thể tận dụng lợi thế về các chỉ tiêu xã hội và môi trường để thúc đẩy phát triển bền vững địa phương trong thời gian tới.

Việc định hướng trình độ phát triển tỉnh Vĩnh Long dựa trên cơ sở định hướng phát triển theo bộ tiêu chí mới về phát triển bền vững quốc gia. Tôi cho rằng, để phát triển bền vững so với các tỉnh trong vùng, tỉnh cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, môi trường xanh, sạch; định hướng Vĩnh Long thành trung tâm chuyển giao công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, trung tâm cung cấp giống có uy tín của vùng ĐBSCL; hướng Vĩnh Long thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL và cả nước. Hơn nữa, phấn đấu để Vĩnh Long là tuyến điểm quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam; thúc đẩy Vĩnh Long thành tỉnh có mức độ ứng dụng công nghệ 4.0 hàng đầu tại vùng ĐBSCL vào công tác quản lý, điều hành và phát triển dịch vụ, thương mại. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng Vĩnh Long là một trong những tỉnh- thành phố có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng.

Phát triển nhiều công trình khai thác lợi thế điện năng lượng mặt trời.
Phát triển nhiều công trình khai thác lợi thế điện năng lượng mặt trời.

* Vâng, có thể nói từ những phân tích kết quả kinh tế- xã hội, việc “định vị” chúng ta đang ở đâu so với khu vực chính là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long sẽ có giải pháp phù hợp, kịp thời trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, năm 2021 khởi đầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025, tỉnh Vĩnh Long sẽ có những định hướng, chiến lược gì, thưa ông?

- Trong năm 2021, mục tiêu chung của tỉnh là khôi phục kinh tế; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là hạn và xâm nhập mặn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử...

Chúng ta đang tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2025. Thực hiện lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính vì thế, theo tôi, trong năm khởi đầu giai đoạn 2021- 2025 này, các cấp, các ngành cùng nỗ lực, vượt khó khăn, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của năm 2021. Trong đó, khôi phục mạnh mẽ kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Vĩnh Long kỳ vọng trở thành địa phương có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng.
Vĩnh Long kỳ vọng trở thành địa phương có năng suất các yếu tố tổng hợp- TFP cao nhất vùng.

* Nhân dịp Xuân Tân Sửu, ông nhắn gửi điều gì đến nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đã đoàn kết, đồng thuận nỗ lực, đồng hành cùng chính quyền trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh đã đề ra.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục xây dựng một chính quyền “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, nỗ lực cải thiện để phục vụ tốt nhất cho người dân; luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

* Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh