Chạy đua với chính mình để bứt phá thành công

10:02, 11/02/2021

Làn sóng hội nhập vừa mở ra cơ hội vừa tạo sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chỉ đua với đối thủ mà còn "chạy đua với chính mình" để bứt phá. Có sự đầu tư tập trung, nhiều doanh nghiệp được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng do hiểu được văn hóa người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ vậy, thị trường bán lẻ- nhất là ở vùng nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam"sống khỏe, sống bền".

 

Làn sóng hội nhập vừa mở ra cơ hội vừa tạo sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chỉ đua với đối thủ mà còn “chạy đua với chính mình” để bứt phá. Có sự đầu tư tập trung, nhiều doanh nghiệp được đánh giá là linh hoạt, dễ thích ứng do hiểu được văn hóa người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ vậy, thị trường bán lẻ- nhất là ở vùng nông thôn vẫn là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt Nam“sống khỏe, sống bền”.

 

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp nâng cao được khả năng cạnh tranh.

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp nâng cao được khả năng cạnh tranh.

 

 

Dồn sức trên sân nhà

Việc hội nhập kinh tế giúp thị trường Việt Nam sôi động hơn. Điều này vừa là thách thức vừa là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt phải có chiến lược phát triển để cạnh tranh với hàng ngoại, để người Việt Nam tin dùng và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Theo đó, không ít doanh nghiệp đã biết cách tận dụng thị trường trong nước với khoảng cách cung ứng hàng hóa gần, giá cả phù hợp và tìm cách tiếp cận, nghiên cứu tâm lý khách hàng tốt hơn. Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trở thành cầu nối hiệu quả, giúp doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng tốt hơn, nhất là thị trường nông thôn.

Chỉ mới gia nhập thị trường hơn năm nay nhưng sản phẩm gia vị của Cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú- Tam Bình) đã có mặt từ vùng Đông Nam Bộ đến Cà Mau và hiện đã xuất khẩu sang Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc). Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ cơ sở- cho hay: “Muốn phát triển phải biết nắm bắt tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời tích cực tham gia hội chợ, phiên chợ để quảng bá. Tôi cũng nâng cấp sản phẩm để vào kênh phân phối hiện đại, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường”.

Theo chị Linh, thói quen mua sắm, thị hiếu và tâm lý tiêu dùng của phần lớn người dân trong nước vẫn là lợi thế lớn để các doanh nghiệp nắm bắt, mở rộng thị phần.

Chú Ngô Văn Phương- Phó Chủ nhiệm CLB Đặc sản Trà Vinh- cho biết: Vĩnh Long là thị trường khá tốt, do đó, có hội chợ là tham gia liền, để giới thiệu về sản phẩm cho người tiêu dùng quen mắt. CLB hiện có 14 đơn vị tham gia với hơn 20 loại sản phẩm, tuy nhiên phần lớn là doanh nghiệp, cơ sở nhỏ, nên những hội chợ, phiên chợ chính là kênh quảng bá hiệu quả, tiết kiệm giúp doanh nghiệp xâm nhập thị trường”.

Thách thức ngày một nhiều hơn

Có thể thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều quả ngọt cho hàng Việt. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn còn vướng nhiều hạn chế, bất lợi cố hữu trên con đường xuất ngoại và ngay cả trên sân nhà.

Bởi không ít người tiêu dùng chưa chuộng hàng Việt, không chỉ với tâm lý sính ngoại mà còn cho rằng hàng Việt thua về chất lượng, mẫu mã so với hàng ngoại.

Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nâng cao năng lực, thiếu đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, vẫn còn lối tư duy “phòng thủ”: làm đủ ăn, tới đâu hay tới đó, cung ứng đủ cho thị trường có sẵn là được.

Cũng đã có không ít doanh nghiệp tận dụng cơ hội hội nhập vừa nỗ lực giữ thị phần trong nước vừa tìm đường xuất ngoại. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, so với tiềm năng về năng suất, sản lượng thì những con số “xuất ngoại” trong thời gian qua của doanh nghiệp Việt Nam còn quá khiêm tốn.

Các phiên chợ, hội chợ, kết nối cung cầu mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Các phiên chợ, hội chợ, kết nối cung cầu mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường phát triển. Đặc biệt, nông sản là thế mạnh địa phương, song nhiều sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Mẫu mã, bao bì còn đơn điệu, thiếu sáng tạo, tính thẩm mỹ chưa cao. “Để cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu với mẫu mã phong phú, việc giới thiệu bán hàng cũng phải được chú trọng. Tuy nhiên, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực không lớn nên rất khó để cạnh tranh”- ông Nguyễn Trung Kiên cho biết thêm.

 “Phải hơn mình hôm qua”

Thay vì giậm chân tại chỗ, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn nhập cuộc, bước vào cuộc đua giành thị phần, thay đổi để sống còn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cạnh tranh với nhau để tạo động lực thúc đẩy cùng tiến bộ và quan trọng hơn đó là “đua với chính mình” để trưởng thành và không ngừng hoàn thiện.

Sản xuất và phân phối bánh kẹo, chị Lê Trúc My- Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (TP Vĩnh Long) cho hay: “Tôi đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt các chứng nhận quốc tế để doanh nghiệp đủ cơ sở và tự tin “tấn công” thị trường ngoài nước. Bên cạnh giữ vững tiêu chí chất lượng, thì công ty cũng thường xuyên ra mắt những sản phẩm mới để đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng như: sản phẩm ít ngọt hơn, dễ tiêu hóa,…” 

Theo chị My, tết chính là thời điểm vàng để cho hàng Việt Nam có dịp lên ngôi, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, công ty chú trọng thiết kế sản phẩm đẹp mắt, mang phong cách xuân để người tiêu dùng có thể mua làm quà tặng. “Còn gì vui bằng trong ngày tết, thấy sản phẩm của mình có mặt trong mọi gia đình”- chị My chia sẻ.

Thực tế cho thấy, những thay đổi của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua cũng đã được người tiêu dùng đánh giá cao. So vài năm trước, sản phẩm trong nước ngày càng phong phú, đa dạng và bắt mắt hơn, chất lượng, giá cả cũng dần rút ngắn khoảng cách so với hàng ngoại, thậm chí giá còn thấp hơn nhưng chất lượng không kém.

Sản phẩm Việt Nam ngày càng được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Sản phẩm Việt Nam ngày càng được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

 

Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định rằng, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có cơ hội thành công nếu biết cách, biết đánh trúng mục tiêu của mình. Nhỏ có cách đánh nhỏ, lớn có cách đánh lớn và từ nhỏ mà biết cách đánh thì mới thành lớn. Nhận thức được doanh nghiệp mình đang ở đâu và cần làm gì mới là quan trọng, tôn trọng đối thủ là cần nhưng khiếp sợ, không dám tấn công mà chỉ biết co mình phòng thủ là… không thể được. 

Có thể thấy rằng, hội nhập là cơ hội hay thách thức còn phụ thuộc vào khả năng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của doanh nghiệp. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài trong việc định vị thương hiệu, tạo dựng uy tín, có chiến lược sản xuất phù hợp để tận dụng cơ hội trong thời kỳ kinh tế hội nhập như hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, đặc biệt là các thị trường mới, nếu doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu thì còn có cơ hội xuất khẩu, góp phần nâng tầm cho hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Trung Kiên- Phó Giám đốc Sở Công thương

Hưởng ứng có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2015- 2020, Sở Công thương đã tổ chức 15 phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, trong đó có 7 phiên chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Các phiên chợ thu hút được 300 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Có trên 36.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, tổng doanh số ước đạt 4,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh