Nhân rộng mô hình nông nghiệp hiệu quả

03:12, 17/12/2020

Thời gian qua, huyện Tam Bình đẩy mạnh việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều mô hình làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương.

 

Tham quan mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao của ông Lâm Văn Việt (xã Phú Lộc).
Tham quan mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao của ông Lâm Văn Việt (xã Phú Lộc).

Thời gian qua, huyện Tam Bình đẩy mạnh việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều mô hình làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Xác định trọng tâm phát triển kinh tế của huyện chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp, lấy nông nghiệp- nông dân- nông thôn là cơ sở, Huyện ủy Tam Bình đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp, đúng hướng.

Cụ thể, Huyện ủy mạnh dạn chỉ đạo vận động nông dân giảm sản xuất lúa vụ 3; mỗi xã vận động có diện tích sản xuất lúa 2 vụ từ 1/3 diện tích trở lên. Kết quả, toàn huyện giảm được trên 3.000ha, chiếm trên 20% so tổng diện tích trồng lúa; nông dân chuyển đổi sang hình thức sản xuất 2 vụ lúa- 1 vụ màu, hoặc nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò, nuôi thủy sản...

Đồng thời, huyện chỉ đạo mỗi xã- thị trấn xây dựng 1 sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Toàn huyện hiện có 4 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP và đang thẩm định hồ sơ 7 sản phẩm đăng ký chương trình OCOP.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, Tam Bình chú trọng xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Nổi bật, mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với sản xuất theo hướng công nghệ cao ở Ấp 9 (xã Mỹ Lộc) vừa thực hiện vụ Hè Thu với diện tích 37ha với 62 hộ tham gia; sản phẩm gạo ST24 tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng năm 2020 và đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ.

Mô hình tập trung cây sầu riêng 20ha tại xã Mỹ Thạnh Trung cho kết quả khả quan; trong đó, diện tích trồng sầu riêng tại ấp Mỹ Thành trên 29ha, tăng 7,7ha so với năm 2019; nâng diện tích trồng sầu riêng toàn xã đạt trên 65ha, đồng thời đã thành lập CLB trồng sầu riêng để hỗ trợ kỹ thuật và liên kết sản xuất cho nông dân.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện cho hiệu quả cao như mô hình liên kết chuỗi giá trị cây thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP diện tích 25,5ha ở xã Hậu Lộc; mô hình màu chuyên canh 300ha xã Ngãi Tứ đã vận động phát triển diện tích trên 200ha, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất theo từng vùng chuyên canh.

Tại vùng chuyên canh Ấp 10 (xã Hòa Hiệp), địa phương hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân học tập mô hình sản xuất hiệu quả ở huyện Long Hồ và tỉnh Bến Tre, hỗ trợ 30% giống sầu riêng Ri 6, nhãn Idor, chôm chôm Thái diện tích 7,4ha, kinh phí 52 triệu đồng…

Mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, mô hình trồng sầu riêng của ông Lâm Văn Việt (xã Phú Lộc) với tổng diện tích 1ha thời gian qua được nhiều bà con nông dân gần xa đến học hỏi kinh nghiệm. Theo đó, thu nhập từ 0,5ha sầu riêng đang cho trái đạt từ 500- 600 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng/năm.

“Để phát triển mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mong muốn tỉnh tiếp tục có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về giống, vốn cho người dân địa phương mạnh dạn thực hiện mô hình.”- ông Việt đề nghị.

Nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả

Theo đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các giải pháp phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất làm khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, thủy sản… Từ đó, giúp nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, phát triển sản xuất phù hợp với thế mạnh địa phương, có nhiều bước tiến trong phát triển kinh tế.

Đến tham quan mô hình sản xuất thanh long vàng tổ yến Vạn Phước (Ấp 6- xã Hậu Lộc), những trụ thanh long đang bắt đầu cho trái. Bắt đầu trồng vào năm 2018 với tổng diện tích đăng ký thực hiện là 16.000m2, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Kết quả thu hoạch bước đầu cho thấy năng suất cao gấp đôi so với trồng thanh long ruột đỏ trên cùng diện tích gieo trồng.

Giá bán sản phẩm thanh long vàng tổ yến hiện khoảng 80.000 đ/kg.”- chú Lưu Vạn Trường- chủ cơ sở sản xuất cho biết. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cơ sở sản xuất thanh long vàng tổ yến Vạn Phước hướng tới sản xuất sạch và an toàn, phát triển mô hình kinh tế cho hiệu quả bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung khảo sát thực tế mô hình sản xuất thanh long vàng tổ yến Vạn Phước (xã Hòa Lộc).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung khảo sát thực tế mô hình sản xuất thanh long vàng tổ yến Vạn Phước (xã Hòa Lộc).

Các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả có tác động lan tỏa góp phần tạo nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản huyện Tam Bình ước cuối năm đạt trên 4.350 tỷ đồng, tăng 2,51% so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện Tam Bình tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, thời gian tới đề nghị huyện phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, tiếp tục chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất kết hợp công tác phòng chống hạn mặn; hướng dẫn các xã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa cho nông dân…

Ông Lê Quang Trung- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong đó, hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng tập trung, không dàn trải; tiếp tục hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời, tuyên truyền vận động thật kỹ, định hướng cho người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả; tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, giao thông đường thủy để phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: YẾN- NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh