Công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản có sự tăng trưởng về chất và quy mô, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế tỉnh. Song, phần lớn tiêu thụ dưới dạng thô hoặc sơ chế, mà chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu nên hạn chế rất lớn về giá trị, đầu ra cũng như khai thác thế mạnh nông sản bản địa.
Công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị nông sản. |
Công nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản có sự tăng trưởng về chất và quy mô, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế tỉnh. Song, phần lớn tiêu thụ dưới dạng thô hoặc sơ chế, mà chưa có nhiều sản phẩm được chế biến sâu nên hạn chế rất lớn về giá trị, đầu ra cũng như khai thác thế mạnh nông sản bản địa.
Đất đai màu mỡ là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh với sản lượng lớn. Tỉnh có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh và quy mô lớn, vừa sơ chế xuất khẩu tươi vừa phục vụ chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng khác.
Như lúa với diện tích trên 155.000ha, sản lượng đạt trên 908.000 tấn/năm; khoai lang với diện tích trên 13.800ha, sản lượng đạt trên 389.000 tấn/năm; cam với trên 10.780ha, sản lượng đạt trên 138.000 tấn/năm…
Trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực không ngừng trong việc tìm nhà đầu tư chế biến nông- thủy sản. Tuy số lớn chưa nhiều nhưng nhiều nhà đầu tư bắt đầu nắm bắt xu thế, khai thác tốt tiềm năng bản địa.
Như Công ty TNHH Bột mì Đại Nam (TP Vĩnh Long) được thành lập từ năm 2016, nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến đã cho ra đời với khoảng 30 sản phẩm thuộc 4 nhóm chính là bột mì, bột gạo, bột nếp và bột trộn sẵn.
Chính việc chế biến từng loại bột cho từng bánh khác nhau đã nâng cao giá trị hạt gạo thêm gấp nhiều lần. Hiện bột của công ty đã xuất khẩu Úc, Đài Loan và tận Châu Âu.
Cũng với mặt hàng lúa gạo, thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong những năm qua, đã khuyến khích hỗ trợ nhiều đơn vị ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chế biến góp phần gia tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm.
Nhờ kết nối thị trường, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (Vũng Liêm) nắm bắt đầu ra cho gạo hữu cơ an toàn là rất lớn, đặc biệt là thị trường nội địa nên chủ động xây dựng chuỗi sản xuất cho mình.
Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt- cho biết, năm 2017 đến nay, HTX thực hiện mô hình sản xuất lúa giống- cung ứng dịch vụ sơ chế, chế biến, đóng gói tiêu thụ hàng hóa.
Năm 2019, HTX liên kết 100ha thực hiện theo chuỗi giá trị từ khâu cấy, sạ lúa bằng máy, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hàng năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 800 tấn gạo hữu cơ và an toàn.
Và chính nhờ vào làm ăn hiệu quả mà HTX được các ngành, cấp quan tâm hỗ trợ trong hoạt động. Liên minh HTX đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo, Sở Công thương hỗ trợ mở rộng thị trường…
Nhờ đó cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến mà đến nay nhiều sản phẩm sau gạo như: trà túi lọc thảo dược, bột dinh dưỡng thảo dược… được thị trường ưa chuộng, giá trị vượt trội.
Có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản đã phát triển cùng với sự gia tăng quy mô ngành công nghiệp.
Chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, với khoảng 26 doanh nghiệp chế biến nông- thủy sản hiện có và nhiều cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình thực hiện sơ chế và chế biến sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, so với quy mô tiềm năng địa phương thì lĩnh vực còn rất hạn chế.
Phần lớn nông sản tiêu thụ dưới dạng thô mà chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu. |
Nguyên nhân được nhận định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc ứng dụng công nghệ chế biến nông sản, thủy sản nhìn chung chưa cao, tự động hóa còn hạn chế, năng suất thấp, giá thành sản xuất và tổn thất sau thu hoạch cao.
Tổ chức liên kết sản xuất- chế biến và tiêu thụ chưa chặt chẽ, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh, công tác kêu gọi đầu tư khu- cụm công nghiệp còn chậm, nhất là các dự án thứ cấp…
Ông Phạm Tứ Phương- Giám đốc Sở Công thương- cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh nhất là những nhà đầu tư chiến lược, những dự án đầu tư có quy mô lớn, mang tính động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao cho hàng nông- thủy sản.
Cụ thể với mặt hàng gạo, ông cho rằng trong chế biến khuyến khích các nhà máy xay xát đầu tư thêm trang thiết bị phơi sấy, thiết bị phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt để nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; mời gọi đầu tư các dự án chế biến các sản phẩm từ gạo như bột gạo, bột gạo pha sẵn để sản xuất các loại bánh, thực phẩm.
Với rau củ quả, cần kêu gọi đầu tư dây chuyền chiên, sấy chân không củ, quả các loại. Phát triển các dự án sản xuất các loại nước quả tươi, nước quả cô đặc, quả đóng hộp từ nguồn nguyên liệu trái cây sẵn địa phương.
Theo Sở Công thương, tới đây sẽ đẩy mạnh giải pháp về phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; thực hiện liên kết sản xuất- tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như lúa gạo, khoai lang, cam sành, bưởi Năm Roi, thủy sản… từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Vận động, khuyến khích chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn cùng ngành nghề sản xuất mạnh dạn liên doanh, liên kết, sát nhập để có điều kiện sản xuất quy mô lớn hơn, nhằm giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin