Để tiếp cận được thị trường như EU, các doanh nghiệp ngành điều cần phải minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Để tiếp cận được thị trường như EU, các doanh nghiệp ngành điều cần phải minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định.
Sản xuất điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN) |
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và là cơ hội lớn để đưa các sản phẩm, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đặc biệt là hàng nông sản; trong đó có trái điều, vào thị trường châu Âu - một thị trường tiềm năng và khó tính.
Ôn định diện tích, tăng sản lượng điều
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Phước, cho biết năm 2019 kim ngạch xuất khẩu điều của cả nước đạt 3,5 tỷ USD, dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mỗi năm, Việt Nam cần hơn 1 triệu tấn nguyên liệu điều nhân để sản xuất, chế biến.
Sản lượng thu hoạch trong nước mới chỉ đạt khoảng 300 ngàn tấn, số còn lại vẫn phải nhập khẩu điều từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước tây Phi.
“Hạt điều nguyên liệu nhập từ nước ngoài chất lượng không bằng so với điều trong nước, đặc biệt là điều Bình Phước. Giá cả bấp bênh, không làm chủ được giá cả lẫn thị trường nên rất khó để đảm bảo ổn định sản xuất” - ông Hiếu nhận xét.
Không chỉ đứng đầu về diện tích, Bình Phước hiện còn dẫn đầu cả nước về số lượng cơ sở chế biến hạt điều với hơn 1.400 cơ sở, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điều của Bình Phước đạt hơn 825 triệu USD, nhập khẩu hạt điều thô 38,5 triệu USD.
Theo quy hoạch phát triển ngành điều của Bình Phước đến năm 2025 tầm nhìn 2030, tỉnh tiếp tục giữ ổn định diện tích cây điều trên diện tích thích nghi theo hướng thâm canh, xen canh; gắn sản xuất với công nghệ chế biến hạt điều; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều; chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mục tiêu đặt ra là diện tích cây điều của Bình Phước từ năm 2020 đến 2030 đạt từ 175.000-179.000ha, năng suất tăng từ 1,57 tấn/ha lên 2,11 tấn/ha; sản lượng từ 243.000 tấn năm 2020 lên 352.000 tấn vào năm 2030; giữ nguyên công suất chế biến hạt điều 500.000 tấn/năm, trong số đó chế biến sâu từ 10.000 tấn (năm 2020) lên 30.000 tấn vào năm 2030.
Khẳng định thương hiệu tại EU
EU là thị trường có đòi hỏi rất cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó từ khâu nguyên liệu đầu vào, chế biến, phân phối, hay nói cách khác là chuỗi giá trị phải đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của thị trường - ông Hiếu nhận định.
Do đó, để tiếp cận được thị trường như EU, các doanh nghiệp ngành điều cần phải minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định. Một khi khẳng định được niềm tin đối với thị trường thì những bước tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.
Nút thắt của ngành điều hiện nay là phải đảm bảo được nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, không lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, việc đầu tiên là phải sản xuất được giống điều để tăng năng suất; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vì thị trường, đặc biệt là EU rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hạt Điều Vàng, cho rằng để hạt điều của Việt Nam vào thị trường này cần đáp ứng hai yếu tố.
Thứ nhất phải vượt qua được các quy định, hàng rào kỹ thuật và được EU cấp chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Yếu tố thứ hai là phải sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn.
Thời gian qua, dù ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng doanh nghiệp vẫn ký kết được các hợp đồng xuất khẩu hạt điều qua thị trường Australia, Nhật Bản và sắp tới là EU.
Xu hướng chung của khách hàng hiện nay là luôn đòi hỏi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn, không sử dụng thuốc hóa học.
Trong số đó, mô hình liên kết doanh nghiệp và nông dân là bài toán căn cơ để vừa ổn định đầu vào lẫn đầu ra.
Khi doanh nghiệp phát triển và có lợi nhuận tốt thì chắc chắn quyền lợi của người nông dân cũng được đảm bảo. Như vậy, người nông dân sẽ sẵn sàng canh tác, sản xuất theo những tiêu chí mà doanh nghiệp và thị trường yêu cầu - ông Tùng chia sẻ.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh phấn đấu đạt 800 triệu USD, đến năm 2025 là 900 triệu USD, đến năm 2030 sẽ đạt 1 tỷ USD./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin