Cuối tháng 11/2019 vừa qua, tại TP Cần Thơ đã diễn ra "Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong- Nhật Bản năm 2019" với khoảng 250 doanh nhân Nhật Bản tham dự. Theo đánh giá, tại diễn đàn lần này số lượng doanh nhân tham gia đông nhất từ trước đến nay cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với vùng đất này.
Cuối tháng 11/2019 vừa qua, tại TP Cần Thơ đã diễn ra “Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong- Nhật Bản năm 2019” với khoảng 250 doanh nhân Nhật Bản tham dự. Theo đánh giá, tại diễn đàn lần này số lượng doanh nhân tham gia đông nhất từ trước đến nay cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với vùng đất này.
Các lãnh đạo VCCI, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL chụp ảnh với các nhà đầu tư Nhật Bản vào tháng 11/2019. |
ĐBSCL trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản
Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ĐBSCL có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước, là nơi xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực và còn nhiều dư địa để phát triển.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, ĐBSCL đang hướng tới một nền kinh tế thông minh và thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững nên những công nghệ, mô hình kinh doanh, cách thức kinh doanh của Nhật Bản rất phù hợp. “Tôi nghĩ là chiến lược hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam thì ĐBSCL giữ vị trí quan trọng hàng đầu”- ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Phương Lam- Chủ tịch VCCI Cần Thơ- cho hay, 2 năm qua, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) trong thu hút đầu tư nước ngoài và hiện nằm trong tốp 6 nước thu hút đầu tư nhiều nhất của Nhật Bản.
Tính đến tháng 10/2019, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 4.300 dự án, với số vốn gần 59 tỷ USD. Trong đó, ngành chế biến chế tạo chiếm khoảng 60%, 16% trong hoạt động kinh doanh xây dựng, bất động sản; còn lại là các hoạt động dịch vụ khác. Điều đó cho thấy, sự hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Giới thiệu bức tranh chung về một ĐBSCL “gần gũi và rất tiềm năng” với các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản lần đầu tiên đến ĐBSCL. Ông Nguyễn Phương Lam cho hay, các nhà đầu tư quốc tế đang tập trung nhiều sự quan tâm vào ĐBSCL- vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Lợi thế của ĐBSCL so các vùng khác là gì?
Ông Nguyễn Phương Lam nêu ra 8 lợi thế được đánh giá từ những doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế (thông qua phối hợp với Tổ chức GIZ của CHLB Đức). Theo đó, đây là vùng kinh tế tăng trưởng cao hơn bình quân tăng trưởng của Việt Nam; năng động nhất trong 6 khu vực kinh tế của cả nước; cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện; thị trường khoảng 18 triệu người và người dân chi tiêu cao nhất cả nước.
Cùng với đó, gần 11/18 triệu dân trong độ tuổi lao động, lao động qua đào tạo nhiều và chi phí lao động rẻ... Trước thách thức của biến đổi khí hậu và hạ tầng cần đầu tư, ông Nguyễn Phương Lam nói: “Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL. Chính phủ đã cam kết đầu tư hạ tầng cho ĐBSCL để phát triển”.
Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Toshinao Tanaka- Tổng Giám đốc Công ty Takesho Food & Ingredients (Nhật Bản)- cho biết, Công ty chọn TP Cần Thơ để đầu tư bởi nhận thấy những lợi thế về cơ sở hạ tầng, tiềm năng về nguồn nhân lực, tài nguyên phong phú…
Trong khi đó, ông Hirai Shinji- Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO tại TP Hồ Chí Minh- cho biết, ông đã đi đến nhiều tỉnh- thành trong vùng ĐBSCL và nhận thấy nơi đây rất có nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, cây trái ở ĐBSCL rất phong phú và rất ngon: “Tôi đã đi đến những cánh đồng lúa, cũng từng đi vùng dứa và ăn thử- vị dứa ngon nhất mà tôi từng ăn. Tôi cũng đến vùng nuôi tôm rất lớn…”- ông vui vẻ nói và cho rằng “vấn đề cần quan tâm giải quyết hiện nay của vùng là vận chuyển, logistics cần phải được khơi thông nhằm mang những món ngon, hàng hóa đến nhiều nơi trên thế giới”.
Cơ hội rót đầu tư vào ĐBSCL
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho hay, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa trên 2.000 lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Nhật Bản trên 1.600 lao động (trên 80%).
Theo quan điểm của tỉnh, đây không chỉ là những lao động thuần túy đi làm để tăng thu nhập, mà chính là nguồn nhân lực cho tương lai với tác phong làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp hấp thu từ các nước sở tại, có khát khao, hoài bão “Đi làm thuê, về làm chủ”.
Chương trình đưa người lao động, thực tập sinh đi làm việc ở nước ngoài không còn là chương trình xóa đói, giảm nghèo” mà nâng lên thành “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững”, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nông sản Vĩnh Long tại triển lãm Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Mekong- Nhật Bản năm 2019. |
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh thì cho biết, để tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản, TP Cần Thơ đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập Khu Công nghiệp hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản; thành lập Tổ công tác Nhật Bản tại Cần Thơ (Japan Desk Cần Thơ) nhằm kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với các tỉnh- thành trong vùng ĐBSCL…
Để thấy rõ hơn tiềm năng ở ĐBSCL, lãnh đạo VCCI Cần Thơ đưa ra những số liệu thống kê về cấu trúc ngành nghề đầu tư vào ĐBSCL trong 2 thập niên qua. Theo đó, thập niên đầu thì các ngành chế biến chế tạo rất lớn tăng dần qua các dự án, con số. Tuy nhiên, từ 2010 đến nay thì chế biến chế tạo giảm dần và thay vào đó là xuất hiện nhiều ngành mới. Trong đó có ngành về công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, giải pháp cho chế biến thực phẩm…
Riêng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Nguyễn Phương Lam nói, thu hút đầu tư Nhật Bản tại ĐBSCL còn ở mức khiêm tốn và tập trung ở một số địa phương nhất định. Tính tới năm 2018, Nhật Bản có 166 dự án ở ĐBSCL với vốn đầu tư là 2,2 tỷ USD- chiếm khoảng 10% tổng số dự án của các nhà đầu tư quốc tế ở khu vực này. Ngành mà Nhật Bản hiện đầu tư ở ĐBSCL thì tỷ lệ phần lớn vẫn là ngành chế biến chế tạo, các hoạt động buôn bán, bán lẻ cũng như bất động sản, xây dựng…
“Chúng tôi muốn giới thiệu với nhà đầu tư rằng trong quá trình phát triển, chúng tôi ghi nhận rất nhiều dự án mới đang phát sinh mà các doanh nghiệp Nhật Bản mà chúng tôi đón và làm việc trong thời gian qua. Cụ thể, cơ hội ĐBSCL mang đến cho nhà đầu tư quan tâm là về lĩnh vực logictics; y tế, giáo dục; du lịch và lữ hành; công nghệ…”- ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm tốt nhất để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, chìa khóa của sự phát triển là tăng cường trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa 2 nước. Vì vậy, thời gian tới phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng, trong đó cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản phải hợp tác, hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực.
ĐBSCL hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản? Ông Hirai Shinji cho rằng sự hiện diện ngày càng đông đảo của các doanh nhân Nhật Bản tại diễn đàn kinh tế tại vùng ĐBSCL đã thể hiện sự quan tâm, sức hút của vùng đối với các nhà đầu tư. “Tôi nghĩ rằng, với sức hút đó ĐBSCL không nhất thiết phải thể hiện hấp dẫn ra sao mà các nhà đầu tư Nhật Bản cần chủ động tìm hiểu”. |
Bài, ảnh: NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin