Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho biết vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát tại ấp Tân Phát, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Đồng Nai cho biết vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tái phát tại ấp Tân Phát, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.
Lực lượng chức năng Đồng Nai tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh tả châu Phi tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN |
Theo ông Quang, xã Đồi 61 là địa phương đầu tiên của tỉnh Đồng Nai công bố hết dịch vào ngày 27/5 sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch khác. Tuy nhiên, đến nay một ổ dịch mới vừa được phát hiện tại ấp Tân Phát (vùng giáp ranh với ấp Tân Đạt - nơi xuất hiện ổ dịch lợn tai xanh đầu tiên tại địa bàn Đồng Nai). Tại đây, đàn lợn 228 con của một hộ dân đã mắc bệnh tả châu Phi. Sau khi phát hiện dịch, lực lượng chức năng Đồng Nai đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dập dịch.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2019, tại trang trại của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn (huyện Trảng Bom) với tổng đàn lợn gần 19.000 con đã xuất hiện dịch. Đây là trang trại có quy mô lớn nhất từ trước đến nay xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tại trang trại này, có trên 100 con lợn chết do nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, lực lượng chức năng Đồng Nai đã tiến hành tiêu hủy khoảng 600 con.
Theo ông Quang, hiện số lượng lợn còn lại trong trại của Công ty chăn nuôi lợn Phú Sơn vẫn khỏe mạnh và đang tiếp tục được giám sát, theo dõi. Ông Quang cho hay, thực tế tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đây chính là lý do khiến dịch dễ dàng xâm nhập vào các trang trại.
Tỉnh ủy Cà Mau cũng vừa ban hành thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giảm tổng đàn lợn phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp, phương pháp thực hiện theo hướng đảm bảo chặt chẽ, thận trọng, thực hiện từng bước, có lộ trình, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân hiểu rõ chủ trương của tỉnh trong công tác phòng, chống bệnh dịch; đồng thời, kịp thời định hướng dư luận, bảo đảm người dân, người tiêu dùng hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, không để gây hoang mang trong xã hội.
Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành rà soát, thống kê cụ thể danh sách các hộ chăn nuôi có đàn lợn bị tiêu hủy do bệnh tả lợn châu Phi để thực hiện các chính sách, định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại.
Tính đến đầu tháng 7/2019, tỉnh Cà Mau đã ghi nhận có 7 huyện và 21 xã, thị trấn xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi. Số lượng đàn lợn mắc bệnh được tiêu hủy là khoảng 589 con với tổng trọng lượng hơn 32.370kg.
Tại Kon Tum: Sau hơn 10 ngày phát hiện một ổ dịch tại thị trấn Đăk Hà và xã Đăk Ngọc, đến đầu tháng 7, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra thêm ở xã khác là Đăk Mar, Hà Mòn và đang áp sát xã Đăk La, địa phương có đàn lợn lớn của huyện, gần thành phố Kon Tum.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Cùng đó, thời tiết mưa nhiều đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc khử trùng tiêu độc.
Ngành Thú y tỉnh Kon Tum nhận định, thời gian tới dịch bệnh sẽ có khả năng lây lan ra các địa phương khác. Ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, trước diễn biến lây lan và phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở huyện Đăk Hà, đơn vị đang tăng cường kiểm tra đôn đốc địa phương phòng chống dịch. Chi cục đã đề nghị UBND huyện tăng cường phòng chống dịch và kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ; Thành lập các chốt kiểm dịch đầu và cuối huyện; phong tỏa, rắc vôi các đường ngang, ngõ tắt từ ổ dịch trở ra và khử trùng tiêu độc hàng ngày. Kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phải tổ chức tiêu hủy 236 con lợn bệnh với tổng trọng lượng gần 14.000kg. Số hộ có lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy là 22 hộ ở 11 thôn của 5 xã thuộc 2 huyện Đăk Hà và Ia H’Drai.
Tại Tiền Giang: tỉnh Tiền Giang đang tập trung các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống chống tả lợn châu Phi, khống chế các ổ dịch, không để lây lan diện rộng, bảo vệ đàn gia súc và ngành chăn nuôi tại địa phương.
Tỉnh đã thành lập 5 chốt kiểm dịch, bố trí nhân lực trực 24/24 kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa phương kết hợp thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng chống tả lợn Châu Phi trên đàn gia súc. Lãnh đạo tỉnh cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó tả lợn Châu Phi; thường xuyên chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm tổ chức và cá nhân trong thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc tại các địa phương.
Đồng thời, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các huyện, thành, thị củng cố và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng chống tả lợn Châu Phi các cấp, phối hợp cùng các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường công tác tuyên truyền và vận động nhân dân nâng cao ý thức và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Theo thống kê, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 61 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị tiêu hủy là hơn 2,9 triệu con.
Theo Nhóm Pv thường trú TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin