Cần chiến lược lâu dài cho hạt gạo đồng bằng

05:03, 05/03/2019

Giá lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2018. Thời gian qua, có nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương để bàn thảo, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019 đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng. 

Giá lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh ĐBSCL đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2018. Thời gian qua, có nhiều cuộc họp từ Trung ương đến địa phương để bàn thảo, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL năm 2019 đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng. Cùng với các giải pháp cấp bách “cứu giá lúa” trước mắt, vấn đề đặt ra chính là cần có chiến lược phát triển căn cơ, lâu dài cho hạt gạo đồng bằng.

Kỳ 1: Xuất khẩu gạo năm 2019- dự báo sẽ hồi phục

Mặc dù giá lúa đang xuống thấp, Chính phủ chỉ đạo thu mua tạm trữ, nhưng những dự báo cho thấy triển vọng xuất khẩu gạo sẽ hồi phục trong thời gian tới.

Doanh nghiệp thu mua lúa chậm đang là thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL.
Doanh nghiệp thu mua lúa chậm đang là thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL.

 Thách thức thị trường xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 vừa qua là một năm “được mùa trọn vẹn” của lúa gạo và nhiều năm mới có một năm thuận lợi như vậy, bởi không chỉ năng suất cao mà còn được giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, thương mại gạo toàn cầu vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, Việt Nam chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, làm suy giảm sản lượng và chất lượng lúa gạo, hạ tầng cơ sở yếu kém làm gia tăng giá thành sản xuất lúa gạo trong quá trình canh tác, vận chuyển, thu hoạch, bảo quản...

Đó là chưa kể sự thiếu minh bạch, liên kết lỏng lẻo trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trong thời gian qua, xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp, sản xuất thiếu tính bền vững.

Theo Bộ Công thương, hiện một số nước thay đổi phương thức nhập khẩu gạo như thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh; các nước nhập khẩu cũng nỗ lực hướng đến tự chủ lương thực.

Trong khi các nước sản xuất tập trung lợi thế để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu. Các nước như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.

Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất, mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu lớn của thế giới.

Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung- cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Việt Nam khó duy trì giá xuất khẩu gạo như năm 2018 và sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu năm 2019, ông Phạm Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng: Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn.

Trong đó, năm 2018, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã dao động trong khoảng 380- 450 USD/tấn, tuy giảm về cuối năm nhưng phần lớn thời gian trong năm đạt trên 400 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan.

Vì vậy, theo quy luật thị trường, giá gạo Việt Nam sẽ trở về mặt bằng giá cũ để có thể cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo, đặc biệt là ở chủng loại gạo trắng.

Theo ông Phạm Văn Chinh, gạo xuất khẩu phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ gạo Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Ấn Độ. Trong khi thị trường Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về kiểm dịch, xông hơi khử trùng, quy cách bao bì, đóng gói tránh sai sót, rủi ro, có thể phát sinh xuất khẩu vào thị trường này.

Lúa gạo tồn kho, doanh nghiệp (DN) thu mua chậm đang là thực trạng hiện nay tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tại Đồng Tháp, so với cùng kỳ năm trước, lượng tồn kho lúa gạo tại DN cao hơn khoảng 20%, cùng với lượng lúa thu hoạch rộ đã dẫn đến nguồn cung trên thị trường dồi dào.

Trong khi việc liên kết tiêu thụ lúa gạo giữa DN và hợp tác xã không phát sinh nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa được các DN, công ty liên kết bao tiêu chỉ khoảng 9%/tổng diện tích xuống giống.

Không chỉ Đồng Tháp, tại nhiều địa phương như Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh... nông dân lẫn DN cũng đứng ngồi không yên, vì lúa khó tiêu thụ.

Giá lúa đã giảm 300 đ/kg so với đầu năm và giảm 1.000 đ/kg so cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân các DN sản xuất, kinh doanh lương thực đều cho biết thiếu vốn dự trữ lưu thông so với hoạt động bình thường.

Nhiều yếu tố hỗ trợ, dự báo thị trường hồi phục

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân.
ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo năm 2019 có nhiều triển vọng xuất khẩu gạo trong thời gian tới, khi thị trường có nhiều điểm sáng hơn.

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, 10 năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ lúa gạo tăng trưởng đều với tốc độ bình quân 1,2%/năm. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo chính cùng với Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ.

“Đặc biệt thời gian gần đây, đối với dòng gạo 5% và 25% tấm, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự gia tăng, rút ngắn sự chênh lệch giá xuất với các nước, thậm chí có lúc cao hơn do tỷ lệ của các loại gạo thơm, chất lượng cao gia tăng trong cơ cấu gạo xuất khẩu”- quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt- Nguyễn Như Cường nhận định.

Theo đó, nhờ chuyển đổi cơ cấu giống, từ các giống chất lượng thấp sang các giống chất lượng cao, xuất khẩu gạo trong năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, tăng 5,1% về sản lượng và 16,3% so với năm 2017, tăng trưởng mạnh về giá trị.

Song song đó, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 501 USD/ tấn năm 2018, tương đương và có thời điểm cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)- cho biết, nhờ động thái hỗ trợ tiêu thụ cho bà con của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các đối tác đã quay trở lại đặt vấn đề vì họ thấy được với sự quan tâm ấy.

Do đó, giá lúa khó có thể giảm tiếp và đã nhích lên 200- 400 đ/kg. Theo đó, Vinafood 1 cam kết mở kho thu mua cả ngày lẫn đêm, mua hết công suất của mình để đưa giá lúa lên. “Giờ chỉ còn là vấn đề vốn, làm sao DN vay được vốn.

Vì vậy, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại theo hướng, mặc dù hạn mức không thay đổi nhưng nên cân nhắc điều kiện cho DN vay”- bà nói.

Tại hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL, 3 đơn vị: Bộ Nông nghiệp- PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước đã có sự vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và tìm giải pháp giúp đầu ra tiêu thụ lúa gạo bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, ngành ngân hàng cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân, DN với lãi suất, thời hạn, chu kỳ cho vay phù hợp để tiêu thụ lúa, gạo.

Đồng thời, xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các DN để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua lúa gạo trong dân, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh triển khai quyết liệt chương trình kết nối nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc của từng DN và kịp thời có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận có hiệu quả nguồn vốn tín dụng.

Tại hội nghị chiều 26/2/2019 của ngành ngân hàng về những giải pháp cung ứng vốn vay và những cam kết cụ thể trong hoạt động thúc đẩy cho vay ngành lúa gạo trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại như Agribank, Vietcombank, Sacombank,… cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nghiêm Xuân Thành- Chủ tịch HĐQT Vietcombank- cho biết, đơn vị dành trên 9.000 tỷ đồng cho khoản vay này. Cam kết đủ vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, đẩy mạnh cho vay các DN sản xuất, tiêu thụ lúa gạo có phương án, dự án khả thi; tăng cường làm việc với các DN, đẩy mạnh giải ngân.

Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài việc xử lý tình huống cho vụ Đông Xuân năm nay, cần phải xác lập tầm nhìn dài hạn đối với ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa ĐBSCL. Các DN tiêu thụ lúa gạo, nhất là Vinafood 1 và Vinafood 2 cần ngồi lại với các địa phương có diện tích sản xuất lúa trọng điểm, hoạch định tầm nhìn chiến lược dài hạn.

Kỳ cuối: Biến thách thức thành cơ hội

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh